xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khi nào biển bắt, mình đi

NHÓM PHÓNG VIÊN

Không thể làm giàu, trái lại còn đối mặt với nhiều hiểm nguy, vất vả nhưng người dân miền Trung vẫn gìn giữ nghề đi biển - cái nghề cơ cực mà cha ông để lại, không chỉ vì mưu sinh mà vì đã thấm vào máu thịt

Sinh ra và lớn lên ở miền thùy dương cát trắng, dẫu biết đời ngư phủ trăm ngàn vất vả nhưng thanh niên ở đây lớn lên hầu hết đều theo tàu, giong buồm ra khơi. Có người chứng kiến người thân bỏ mình giữa biển, có người vì biển mà suýt mất mạng, phá sản nhưng ít ai nản chí mà ngã tay chèo.

Còn sống là còn đi biển

Nhắc lại vụ tai nạn trên biển vào 1 năm trước, ông Lê Văn Châu (58 tuổi, trú thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn còn nhớ đến từng chi tiết nhỏ. Khi đó, tàu cá của ông đang vào bờ sau một chuyến đánh bắt dài ngày thì sóng biển đột nhiên mạnh dần. “Từng đợt sóng đưa con tàu chở 6 anh em chúng tôi lên cao rồi đổ ầm xuống. Sau nhiều lần chao lượn thì tàu bị một cơn sóng to dập chìm nghỉm, tụi tôi bị hất văng, chỉ biết bấu víu vào mấy chiếc can nhựa” - ông Châu hồi tưởng.

May mắn là tai nạn xảy ra cách bờ không xa nên sau hơn 2 giờ vắt toàn bộ sức lực, cả 6 người dìu được nhau vào bờ. Sau vụ đó, ông Châu thuê người lặn lấy con tàu lên rồi vay tiền sửa lại tàu, mua ngư cụ và lại cùng những người đi bạn ra khơi. “Chúng tôi sinh sống bằng nghề biển, nếu bỏ nghề thì lấy gì mà ăn” - ông nói.
img
Dù cơ cực và nhiều hiểm nguy nhưng ngư dân ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vẫn không quay lưng với nghề đi biển Ảnh: ĐỨC NGỌC

Hơn 1 năm sau lần bị tai nạn trên biển suýt chết, sáng 3-12, ngư dân Lê Văn Giáp (42 tuổi, trú thị trấn Thuận An) lại cùng các thuyền viên ra khơi trên con tàu vừa đóng xong. Khi chúng tôi hỏi thăm, ông Giáp cười tươi rói: “Cứ tưởng tôi sẽ bỏ nghề vì sau vụ tai nạn chẳng còn gì nhưng đời ngư dân là đi biển, không thể khác được”.

Vào ngày 12-10-2012, trong khi ra khơi, tàu của ông Giáp chở theo 5 thuyền viên bị tàu hàng đâm chìm cách cửa biển Thuận An 70 hải lý. Vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm nên 6 người phải vật lộn với sóng gió trong đêm tối cho đến khi được các tàu cá khác vớt lên.

Nhớ lại, Hồ Văn Tính (37 tuổi) vẫn chưa hết kinh hoàng: “Tôi đang ngủ thì bị hất văng xuống biển, lúc tỉnh lại chỉ thấy xung quanh toàn nước”. Lần tai nạn đó, anh Tính bị thương rất nặng, phải điều trị nhiều tháng trời nhưng khi vừa khỏi bệnh là anh quay lại tàu ông Giáp đi biển.

Không thể quay lưng

Nghề biển nếu may mắn không gặp tai bay vạ gió thì chỉ đủ ăn chứ chuyện làm giàu là không thể. Dù vậy, nhiều ngư dân không bao giờ muốn bỏ nghề. Ngư dân Nguyễn Tài Đức (SN 1983, trú phường Ngư Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An), người vừa được cứu sống sau nhiều giờ trôi dạt trên biển vào tháng 11-2013, khẳng định: “Không ra biển đánh cá thì buồn lắm, dù gặp nạn suýt chết nhưng tôi không ngại chi hết, sẽ vẫn ra khơi”.

Còn với ngư dân Nguyễn Văn Tín - ngụ xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, người đã có gần 50 năm gắn bó với đầu sóng ngọn gió - thì biển đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. “Mình sinh ra và lớn lên trên biển, giờ bỏ nghề đánh cá thì không biết làm gì cả. Còn sức, tôi vẫn cứ đi biển, con người sống chết có số, lúc nào biển bắt thì mình đi” - ông Tín nói chắc nịch.
img
Ông Vương Công Mai cùng vợ vá lại những mảnh lưới cũ để chuẩn bị ra khơi Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Cũng với quan niệm sống chết có số, ông Vương Công Mai (63 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), người có thâm niên hơn 50 năm đi biển, cho biết cuộc sống giữa đại dương luôn gắn liền với những hiểm nguy và mỗi ngư dân phải học cách làm quen. “Người đi biển thường có câu “trời kêu ai nấy dạ” nên khi đi, ai cũng khấn trời phật phù hộ để được bình an thôi chứ chẳng biết làm sao” - ông Mai bộc bạch.

Xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương chịu nhiều đau thương, mất mát bởi những trận bão kinh hoàng nhưng nói đến chuyện bỏ nghề, đi xứ khác làm ăn, nhiều ngư dân lắc đầu cương quyết. Chị Hoàng Thị Tuyết - ngụ thôn Bắc Thọ, có chồng và em chồng tử nạn khi đi biển - cho biết: “Mất người thân, ai chẳng đau xót nhưng mẹ con chúng tôi vẫn sẽ bám biển để sống, ruộng vườn không có, không bám biển thì lấy gì mà ăn”.
 
Ông Nguyễn Ngọc Đa - Trưởng thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc - cho biết người dân Ngư Lộc đã khóc quá nhiều về những gì mà biển cả mang đến nhưng ngược lại, cũng đã nhận rất nhiều. “Biển lấy đi nhiều thứ nhưng cũng đã nuôi lớn nhiều thế hệ người con Ngư Lộc. Nên dù có mất mát, đau thương, chúng tôi cũng không quay lưng với biển” - ông Đa khẳng định.
 
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho biết hiện có khoảng 70% gia đình làm nghề biển, trong đó có khoảng 2.500 lao động đánh bắt xa bờ. “Nhiều năm nay, số người đi biển có giảm nhưng không đáng kể. Đặc thù của Ngư Lộc là đất chật người đông, đất nông nghiệp không có nên đi biển vẫn là sự lựa chọn tối ưu của người dân dù ai cũng biết nghề này rất bạc” - ông Ngữ cho hay.
 

Theo tổ, đội để giảm tai nạn

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Phú Yên, cho biết UBND tỉnh này vừa phê duyệt đề án phát triển khai thác cá ngừ theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Theo đó, từ nay đến năm 2015, 100% tàu thuyền đánh bắt xa bờ sẽ hoạt động theo tổ, đội. Mỗi tổ, đội sẽ có từ 5 đến 10 tàu, thuyền khai thác cùng nhau trên một vùng biển, tự cung ứng dịch vụ hoặc vận chuyển cá cho nhau.

Theo ông Vinh, hiện toàn tỉnh Phú Yên có trên 100 tổ, đội tàu, thuyền an toàn do ngư dân tự lập ra và hoạt động rất có hiệu quả. “Không chỉ lợi ích kinh tế mà đánh bắt cá theo tổ, đội sẽ giúp giảm thiểu đáng kể tai nạn trên biển vì khi xảy ra sự cố sẽ có tàu, thuyền trong đội ứng cứu kịp thời” - ông Vinh cho hay.
 
H.Ánh
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo