Chính xác có bao nhiêu người đúng như báo chí thông tin là nhân viên hợp đồng được “phù phép” để biến thành công chức, cán bộ được chuyển ngạch trái quy định ở Thanh Hóa? Nay mai chắc chắn số liệu sẽ phải được thông tin cụ thể.
Nhưng vấn đề ít hay nhiều chưa quan trọng bằng việc có hay không. Thực tế là có. Mà việc này, hoặc na ná như thế, đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều ngành trong cả nước mà đỉnh điểm khiến dư luận phải phẫn nộ là chuyện bổ nhiệm, điều chuyển sai quy trình, trái quy định, kể cả ở nhiều vị trí cao cấp, nhạy cảm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) vừa cho thôi nhiệm vụ đại biểu QH chuyên trách ở trung ương đối với ông Nguyễn Văn Cảnh từ ngày 15-2. Khi đang là chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Bình Định, ông này có hồ sơ xin việc ở Văn phòng Đoàn Đại biểu QH và HĐND tỉnh Bình Định. Cùng ngày, Đoàn Đại biểu QH tỉnh Bình Định có công văn đồng ý tiếp nhận và phân công làm chuyên viên giúp việc, sau đó được tuyển dụng công chức không qua thi tuyển.
Được bổ nhiệm ngạch công chức vào ngày 1-4-2013 thì vài tháng sau, ngày 17-7-2013, ông Cảnh được cất nhắc làm Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu QH và HĐND tỉnh Bỉnh Định và chưa đầy 1 tháng sau thì lên chức chánh văn phòng (tương đương giám đốc sở, hưởng lương trách nhiệm 0,9). Từ tháng 3-2015 đến tháng 3-2016, ông Cảnh là ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH khóa XIII và đến khóa XIV là ủy viên thường trực của ủy ban này.
Trước chuyện bổ nhiệm đối với ông Cảnh, dư luận từng “nóng” với hàng loạt trường hợp bổ nhiệm “thần tốc” như thế. Trường hợp của Vụ phó Vũ Minh Hoàng ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ hay ông Vũ Quang Hải ở Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn… là những ví dụ.
Mới đây nữa, Bộ Nội vụ đã khẳng định TP Hải Phòng đã làm trái quy định trong việc đưa người ở các doanh nghiệp chuyển về giữ chức vụ giám đốc và phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải của TP này.
Đằng sau chuyện bổ nhiệm, thăng tiến như thế là gì thì người dân quá lắm cũng chỉ thấy được ở cái sự bất thường mà thôi, biết lấy gì mà cân đo để hiểu rồi những người như thế sẽ làm được gì cho bộ máy “của dân, do dân và vì dân”?
Người có tài, có đức thực sự không cần những sự thăng tiến bất thường ấy. Nói cách khác, làm người tử tế phải biết xấu hổ để từ chối những sự ưu ái quá mức đối với mình.
Ở thể chế nào cũng thế, bộ máy nhà nước thực sự mạnh hay không là nhờ chất lượng của những người làm công ăn lương trong bộ máy ấy. Bộ máy nhà nước sẽ khó vận hành suôn sẻ, khó mang lại những điều người dân mong đợi nếu không kiểm soát được chất lượng của nguồn lực cho dù có đường lối đúng và chủ trương hay.
Bình luận (0)