Bà Lưu Thị Hằng (SN 1972; ngụ ấp 4, xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) cho rằng gia đình mình bị TAND huyện Cẩm Mỹ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, mở lối đi cho người khác vào khu vườn phía sau với nhiều điều khó hiểu.
Hợp thức hóa hồ sơ?
Theo trình bày của bà Hằng, bà Ngô Thị M. mua một khu đất phía sau vườn của gia đình bà (vốn là đất gia đình bà Hằng chuyển nhượng cho một người khác). Một thời gian sau, bà M. gửi đơn lên tòa án, đề nghị mở một con đường để đi vào khu đất của mình.
Ngày 29-2, TAND huyện Cẩm Mỹ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cẩm Mỹ, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai Chi nhánh Cẩm Mỹ tiến hành thủ tục mở lối đi nhưng không thành do các thủ tục, hồ sơ và sự hợp tác của các bên chưa đáp ứng đầy đủ.
Ngày 17-8, TAND huyện Cẩm Mỹ ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; ngày 28-9, TAND huyện Cẩm Mỹ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự để các bên tiếp tục củng cố hồ sơ. Ngày 17-11, vụ việc tiếp tục được đưa ra xét xử nhưng sau đó hoãn.
Theo bà Hằng, quá trình giải quyết hồ sơ vụ án, TAND huyện Cẩm Mỹ đã có nhiều động thái không trung thực và thiếu khách quan. Chẳng hạn, trong hồ sơ có tình tiết nêu bà Hằng đồng ý mở con đường rộng 3 m nhưng đòi bồi thường 250 triệu đồng. “Họ tự ý ghi vào để hợp thức hóa hồ sơ chứ tôi không hề đồng ý” - bà Hằng khẳng định.
Trong khi đó, biên bản ghi nhận việc thẩm định tại chỗ đất đai (với sự tham gia của cán bộ tòa án, nguyên đơn và chính quyền xã) thể hiện do bị đơn vắng mặt, cổng khóa nên không thực hiện được.
“Thế nhưng, hồ sơ được hợp thức hóa cho rằng vợ chồng tôi bất hợp tác, gây cản trở không cho vào để đo đạc. Điều đó hoàn toàn sai sự thật. Gia đình tôi rất muốn hợp tác để có sự công bằng nhưng họ cố tình hợp thức hóa hồ sơ, gây bất lợi cho chúng tôi. Chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra lại hoạt động xét xử của tòa án...” - bà Hằng bức xúc.
Không chấp nhận được
Theo ghi nhận, thửa đất bà M. mua lại của ông L. chính là một phần đất của bà Hằng trước đây cắt ra chuyển nhượng. Do vậy, đất của bà M. nằm phía sau đất bà Hằng và hiện không có lối đi. Tuy nhiên, bà M. vốn buôn bán bất động sản, không làm kinh tế vườn nên hiện không bị áp lực cấp bách về việc thu hoạch vì cây trái hiện không cho sản lượng.
Còn theo bà Hằng, bà M. đã mua khu đất nói trên nhưng lại không xem xét việc có đường để đi vào hay không, đến khi thấy không có đường thì yêu cầu tòa án cắt đất của người khác để mở đường lớn. Trong khi trên thực tế, trước khi bà M. mua đất, tại đây đã có lối đi nhỏ cùng cây cầu bắc qua mương nước, tắt qua một thửa đất ở phía khác. Thế nhưng, sau đó bà M. đã tự tháo bỏ cây cầu này rồi khởi kiện yêu cầu mở đường rộng 3 m, cắt phần đất của bà Hằng.
Gia đình bà Hằng không chấp nhận vì cho rằng việc nhận định bà M. chỉ có lối đi duy nhất (nếu mở) để vào khu đất là không đúng vì xung quanh đều có đất trống, nếu mở đường sẽ gây thiệt hại ít hơn. Trong khi đó, mở đường qua đất của gia đình bà Hằng sẽ gây thiệt hại lớn đối với gia đình bà. “Khu trại của gia đình tôi được khai phá từ 20 năm nay, nếu mở đường, một ao nước diện tích 5 x 7 m dùng để tưới tiêu sẽ phải lấp đi, chuồng trại chăn nuôi và một số cây trái sẽ bị phá bỏ” - bà Hằng phân tích.
Bên cạnh đó, theo bà Hằng, chiều ngang lô đất của gia đình bà là 9 m, nếu cắt 3 m làm đường sẽ mất gần như giá trị khu đất, gây thiệt hại nghiêm trọng. “Khi mở đường, giá trị lô đất của bà M. tăng lên nhiều lần, còn chúng tôi thiệt hại vô kể nhưng nguyên đơn không chấp nhận thương lượng, chỉ đồng ý bồi thường với giá thấp (50 triệu đồng - PV)... ” - bà Hằng nói.
Trao đổi với chúng tôi, bà M. khẳng định việc yêu cầu mở lối đi là theo quy định của pháp luật và sẵn sàng thương lượng nhưng không chấp nhận bồi thường với giá cao.
Lo lắng cho tài sản của mình, mới đây, vợ chồng bà Hằng gửi đơn khiếu nại khẩn cấp lên các cấp, đề nghị tạm hoãn các phiên xét xử, ghi nhận thực trạng đất, yêu cầu thay đổi thẩm phán xét xử vụ việc và làm rõ những biên bản tòa cho rằng có ý kiến của bà nhưng sự thật không phải như vậy.
Luật sư Trần Thị Mộng Thanh, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, cho rằng nếu phải áp dụng điều 275 Bộ Luật Dân sự về “mở lối đi qua bất động sản liền kề” thì chỉ cần mở đường rộng 1 m kéo dài đến cuối rẫy đủ để phục vụ canh tác và thu hoạch thì sẽ giảm thiểu thiệt hại đáng kể. “Việc bà M. yêu cầu mở đường rộng 3 m và chỉ bồi thường với giá thấp là không chấp nhận được” - luật sư Thanh nhận định..
Luật Dân sự quy định người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác. Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên.
Bình luận (0)