xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khó “kết tội” Quinvaxem!

Ngọc Dung thực hiện

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, khẳng định tỉ lệ tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem “tương đương” với các loại vắc-xin khác

Phóng viên: Ông nhận định thế nào về các vụ tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây?

img

- PGS-TS Trần Đắc Phu: Tiêm chủng vắc-xin là đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể con người nên có thể có những phản ứng từ nhẹ đến nặng. Từ tháng 6-2010 đến nay, đã có trên 24 triệu mũi vắc-xin Quinvaxem được tiêm cho trẻ em Việt Nam. So với vắc-xin có thành phần ho gà vô bào (dịch vụ), các phản ứng sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, thậm chí tím tái, cao hơn nhưng phản ứng nặng như sốc phản vệ, tử vong ở vắc-xin Quinvaxem là tương đương.

Các kết quả điều tra ở Việt Nam và trên thế giới cho thấy đa số trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem là do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh khác mà trẻ đã mắc gây tử vong tại thời điểm tiêm chủng hoặc không rõ nguyên nhân. Từ đầu năm 2015 đến nay, có hơn 3,5 triệu mũi tiêm vắc-xin Quinvaxem, ghi nhận 16 trường hợp phản ứng nặng (tím tái, khó thở, sốt cao) sau tiêm, trong đó có 8 ca tử vong. Hội đồng chuyên môn đã kết luận 7 ca tử vong trùng hợp và 1 ca sốc phản vệ (tại Nghệ An ngày 20-10-2015). Còn trường hợp bé 4,5 tháng tuổi ở Hải Dương vừa tử vong ngày 25-10 sau tiêm Quinvaxem hiện đang được xem xét nguyên nhân. Có sự trùng hợp là vắc-xin được sử dụng tại Nghệ An và Hải Dương cùng lô số 1453322.03.

Thưa ông, đã từng bị “tai tiếng” từ năm 2013, tại sao Việt Nam vẫn chưa ngừng sử dụng vắc-xin này?

- Mục đích của tiêm chủng là bảo vệ cộng đồng, nếu tỉ lệ tử vong nằm trong khuyến cáo cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì vẫn phải tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát. Cho đến nay, chúng ta chưa ghi nhận trẻ tử vong do tiêm vắc-xin dịch vụ nhưng cũng không thể so sánh như thế được bởi mỗi năm, Việt Nam chỉ có khoảng 100.000-200.000 mũi vắc-xin vô bào được sử dụng, trong khi vắc-xin có thành phần toàn tế bào Quinvaxem tới hơn 5 triệu liều. Từ đầu năm đến nay, chỉ 1 trẻ tử vong có liên quan đến vắc-xin Quinvaxem là cháu bé ở Nghệ An nhưng lý do vì cơ địa của trẻ quá mẫn. Không thể vì thế mà ngừng tiêm vắc-xin cho cả triệu trẻ khác.

Tư vấn tiêm chủng trước khi chích ngừa vắc-xin cho trẻ Ảnh: NGỌC DUNG
Tư vấn tiêm chủng trước khi chích ngừa vắc-xin cho trẻ Ảnh: NGỌC DUNG

So với các vắc-xin khác, tai biến liên quan đến Quinvaxem có phải đứng “đầu bảng” không?

- Tỉ lệ phản ứng sau tiêm các vắc-xin cũng tương đương. Bởi từ đầu năm 2015 đến nay, vắc-xin BCG (ngừa lao) cho trẻ cũng đã có 6 ca tử vong sau tiêm, viêm gan B cũng có 5 ca tử vong. Nguyên nhân tử vong đều do bệnh lý trùng hợp hoặc không rõ. Đối với bất cứ vắc-xin hay thuốc nào đều có tỉ lệ nhỏ gây ra các phản ứng cho người sử dụng, tùy cơ địa. Hơn nữa, vắc-xin Quinvaxem (tiêm cho trẻ từ 2-4 tháng tuổi) và BCG (1 tháng tuổi trở xuống), viêm gan B (24 giờ sau sinh) đều tiêm cho trẻ rất nhỏ nên rủi ro tử vong vì các bệnh lý trùng hợp, tử vong không rõ nguyên nhân rất lớn. Mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 70 trẻ dưới 1 tuổi tử vong không rõ nguyên nhân.

Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng để minh bạch hơn trong khi đánh giá nguyên nhân các tai biến sau tiêm vắc-xin, cần có hội đồng chuyên môn độc lập chứ không như ngành y tế hiện nay “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

- Thử hỏi hội đồng độc lập ở đây có thể là những ai? Để đánh giá nguyên nhân tai biến sau tiêm vắc-xin phải là những chuyên gia về dịch tễ, nhi khoa, da liễu, cấp cứu… Với những ca tai biến, chúng tôi đã mời các chuyên gia đang công tác tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối để đánh giá cùng thành viên hội đồng là bác sĩ ở các địa phương. Tới đây, sau khi hội đồng chuyên môn ở các địa phương họp đánh giá về những ca tai biến liên quan đến tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ họp Hội đồng Chuyên môn quốc gia để đánh giá lại các trường hợp này nhưng không thể có chuyện trẻ tử vong do tiêm vắc-xin lại nói rằng không rõ nguyên nhân hoặc do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý.

Do e ngại về chất lượng, nhiều cha mẹ sẵn sàng đóng thêm tiền để con được tiêm vắc-xin tốt nhất. Bộ Y tế có tính đến việc thay thế Quinvaxem bằng loại vắc-xin tốt hơn?

- Là những người làm chính sách, tôi cũng mong muốn trẻ em Việt Nam được tiêm vắc-xin thế hệ mới có chất lượng tốt nhất. Tuy vậy, với vắc-xin thì vấn đề an toàn và bảo đảm miễn dịch phải được đặt lên hàng đầu rồi mới nói đến tài chính. WHO đã khuyến cáo với những nước đang dùng ho gà toàn tế bào thì không nên chuyển sang vắc-xin vô bào vì dù có phản ứng nhẹ nhưng tác dụng phòng bệnh tốt hơn ho gà vô bào. Nếu như thay thế Quinvaxem bằng các vắc-xin hiện nay, chúng ta có chắc chắn rằng không xảy ra tai biến nặng hay không? Việc thay thế vắc-xin cần phải xem xét kỹ lưỡng bởi tất cả các loại vắc-xin đều có những phản ứng sau tiêm nhất định.

Cạn kiệt vắc-xin dịch vụ

Ông Trần Đắc Phu cho biết các nhà sản xuất vắc-xin có thành phần ho gà vô bào đang thay đổi công nghệ sản xuất nên đã ngừng sản xuất vắc-xin để phục vụ các lô hàng đơn lẻ. Từ nay đến cuối năm, thậm chí hết năm 2016, sẽ vẫn khan hiếm, thậm chí không có vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1”. Nếu tiếp tục chờ đợi, trẻ có thể sẽ bị mắc bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B... Với các loại vắc-xin “xách tay”, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng vì đây là nguồn hàng trôi nổi, không bảo đảm chất lượng.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo