Từ năm 2014-2019, Ban Quản lý (BQL) Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên - tỉnh Gia Lai được đầu tư 600 tỉ đồng để thực hiện giảm nghèo cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, kinh phí đã giải ngân được khoảng 27% nhưng hiệu quả mang lại chưa như kỳ vọng, nhiều dự án khi triển khai gặp rất nhiều khó khăn.
Có tiền… uống rượu hết!
Làng Ea Lũh, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pảh là ngôi làng duy nhất của đồng bào dân tộc Xê Đăng tại Gia Lai. Dù nằm gần trung tâm huyện Chư Pảh và TP Pleiku nhưng đây là ngôi làng được liệt vào diện khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai.
Ở làng Ea Lũh, vợ chồng chị A Viên có tới 12 đứa con. Hai vợ chồng làm quần quật vẫn không đủ ăn, không lo nổi việc học cho các con. Chính quyền địa phương dù hỗ trợ gạo, cho muối và cho cả bò nhưng vì nghèo và đông con nên gia đình chị vẫn không thể khá lên được.
Ông Hoàng Công Nhuần, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hưng, cho biết hầu hết bà con trong làng đều nghèo khó như gia đình chị A Viên. Trong những năm qua, rất nhiều chính sách, chương trình của nhà nước như cấp cây giống, con giống, hỗ trợ phân bón… và cả những tổ chức từ thiện rót tiền về cho dân làng Ea Lũh nhưng kinh tế phát triển không là bao.
Nông dân trồng gừng theo dự án giảm nghèo điêu đứng vì giá gừng rớt thê thảm
"Nhận thức của bà con còn rất hạn chế. Mỗi lần có dự án, chúng tôi cấp cây giống, bò, phân bón cho bà con chứ không dám đưa tiền. Vì nếu đưa tiền thì họ dùng… uống rượu hết" - ông Nhuần băn khoăn. Cũng vì lý do này mà theo ông Nhuần, gần như các dự án, mô hình giảm nghèo khó triển khai ở địa phương. Kết cục là đến nay, làng Ea Lũh vẫn còn khoảng 80% hộ nghèo, cận nghèo.
Nói về công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, ông Đoàn Bảy, Bí thư Huyện ủy Chư Pảh, cũng than khó trăm bề. "Toàn huyện có khoảng 16% hộ nghèo, trong đó 83% là đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác giảm nghèo của huyện rất khó khăn vì nhiều người dân còn hạn chế về nhận thức trong lao động để vươn lên thoát nghèo" - ông lo ngại.
Ông Bảy nhớ lại lúc còn làm tại Tỉnh đoàn Gia Lai, ông được giao phụ trách xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pảh. Khi đó, thấy bà con không biết trồng rau, các anh bộ đội tận tình hướng dẫn và hỗ trợ cả giống. Tuy nhiên, bà con chỉ trồng được một lần rồi bỏ. Ông Bảy nêu thực trạng: "Trong suy nghĩ của bà con không có chuyện trồng rau. Họ cứ nghĩ sáng đi rừng lấy bữa rau xong là xong. Bây giờ, nếp nghĩ của bà con vẫn như thế, vẫn không trồng rau được".
Ỷ lại, nhận thức thấp
Ông Lê Quang Đạt, Phó Giám đốc BQL Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên - tỉnh Gia Lai, cho hay các dự án giảm nghèo do BQL thực hiện được lựa chọn triển khai ở 5 huyện khó khăn nhất của tỉnh. Mỗi huyện chọn ra 5 xã khó khăn nhất để làm. Ngoài những nội dung như xây dựng cơ sở hạ tầng thì điều đặc biệt được chú trọng là tạo sinh kế cho người dân vùng dự án.
Trên cơ sở này, BQL đã thành lập các nhóm cải thiện sinh kế cho người dân. Đến năm 2017, tổng cộng 465 nhóm đã được thành lập, mỗi nhóm tập trung 10-20 hộ dân. Sau khi thống nhất dự án sinh kế, nhóm được hỗ trợ kỹ thuật như cây - con giống. Qua những năm thực hiện, sản phẩm từ các nhóm này làm ra đều cho năng suất cao hơn so với mặt bằng chung. Dù vậy, vướng mắc nhất là việc kết nối thị trường chưa phát huy được hiệu quả.
Điển hình là mô hình trồng gừng của nhóm sinh kế ở huyện Mang Yang. Khi trồng, giá gừng ở mức 40.000 đồng/kg nhưng đến lúc thu hoạch chỉ còn 5.500 đồng/kg. Theo chị Phạm Thị Hiếu, cán bộ phụ trách xã Lơ Pang thuộc dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, ban đầu, các hộ tham gia được Công ty Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp Miền Trung (đóng tại TP Peiku) cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá 12.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, giá gừng xuống thấp nên công ty chậm mua của người dân. Lo ngại gừng để lâu bị hư, chị Hiếu liên hệ nhiều nơi tìm đầu ra cho bà con nhưng vẫn không được là bao.
Ông Đạt cho biết mỗi dự án giảm nghèo chỉ thực hiện trong thời gian 5 năm. Ngoài việc hỗ trợ vật tư, kỹ thuật, dự án muốn phát huy hiệu quả còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân. Cái khó là nhận thức của nhiều người dân vùng dự án còn thấp, tâm lý ỷ lại còn cao. Ông Đạt so sánh giữa 2 huyện Ia Pa và Mang Yang, cùng được cấp giống bò như nhau nhưng ở Ia Pa, sau một thời gian thì tỉ lệ bò đẻ đạt 80%-90%, còn Mang Yang chỉ 30%-40%. "Nhận thức của người dân rất quan trọng nhưng không thể một sớm một chiều mà thay đổi ngay được" - ông Đạt nhìn nhận.
"Đồng bào dân tộc thiểu số có sự tự ti, tâm lý ỷ lại rất lớn. Cứ anh kia nghèo, tôi cũng phải nghèo; anh kia được hưởng 1 kg muối thì tôi cũng phải như thế… Chỉ khi thay đổi nhận thức của người dân thì công tác xóa đói giảm nghèo mới phát huy hiệu quả, còn không thì thua" - ông Đoàn Bảy bày tỏ.
Kỳ tới: Đừng để ngàn tỉ trôi sông
Bình luận (0)