Dù vậy, những cảnh báo từ Bộ Y tế cho thấy bệnh dại vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí bùng phát tại nhiều địa phương, để lại nỗi đau cho không ít gia đình, thậm chí đã thành nỗi ám ảnh với người dân. Như ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, trong 2 năm liên tiếp, huyện này đều có người tử vong do chó dại cắn.
Các chuyên gia y học đã khẳng định bệnh dại rất nguy hiểm đối với tất cả mọi người và người mắc bệnh nếu không chữa trị kịp thời có thể tử vong. Nguyên nhân của bệnh là do virus dại gây nên nhưng bệnh chủ yếu do động vật truyền nhiễm cho người qua các vết cắn, vết xước. Đây cũng là nguyên nhân chính có tỉ lệ lây nhiễm cho con người cao nhất.
Muốn không bị chó, mèo đã mắc bệnh dại cắn hoặc cào thì tốt nhất là không tiếp xúc với chúng. Ai muốn nuôi thì quản lý cho tốt và tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Việc không phải quá khó khăn và không quá tốn kém ấy hóa ra không đơn giản chút nào. Bằng chứng là cho đến nay, số địa phương trong cả nước được công nhận vùng an toàn bệnh dại vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vùng an toàn bệnh dại, nói theo các tiêu chuẩn đã ghi trong Quyết định số 66/2008/QĐ-BNN ngày 26-5-2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về việc ban hành quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thì đấy là nơi không có dịch bệnh ít nhất 24 tháng kể từ khi con vật mắc bệnh cuối cùng bị chết hoặc bị tiêu hủy. Nghị định 05/2007/NĐ-CP ngày 9-1-2007 của Chính phủ cũng xác định rõ: 100% số gia đình đăng ký nuôi chó với UBND cấp xã; 100% số chó được tiêm phòng vắc-xin; chủ vật nuôi phải xích, nhốt hoặc giữ chó, kiểm tra huyết thanh không có virus dại lưu hành trên đàn chó...
Như vậy, những quy định về vùng an toàn bệnh dại không khác là bao so với các nội dung trong quyết định phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021” mà Thủ tướng vừa ký. Vậy nhưng, phản hồi từ các địa phương cho thấy việc thực hiện nghiêm tinh thần của quyết định này là không dễ. Lý do vẫn cơ bản được nêu ra là ở việc yêu cầu người nuôi chó phải quản lý chặt, không để chó đi rông ngoài đường; người nuôi phải tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó.
Muốn biết người nuôi chó thực hiện đúng không thì tất nhiên là địa phương phải có thống kê, kiểm soát chặt chẽ. Vậy thì vấn đề không phải là ở chỗ thiếu chế tài để xử lý. Trình độ quản lý của bộ máy chính quyền ở cấp xã, phường, thôn, bản hẳn cũng không kém đến mức không thể biết trong địa phương có bao nhiêu hộ nuôi chó và bao nhiêu trong số đó hằng năm có đưa chó đến cơ sở thú y để tiêm phòng bệnh dại. Chó chạy rông ngoài đường, “một con chó sủa cả làng đều nghe” mà lúng túng, kiểm soát không nổi thì nói rộng hơn, làm sao kiểm soát được tội phạm vốn chẳng bao giờ chạy rông ngoài đường hay sủa ông ổng như chó!
Bình luận (0)