Kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam cho biết cách đây hơn 20 năm, đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP HCM) rất thoáng đãng. Đây được cho là con đường đẹp nhất nhì ở TP bởi cổ thụ rợp bóng, hai bên là dãy biệt thự trông rất "Tây". Nhưng rồi đô thị hóa phát triển mạnh, mỗi năm, ông phải chứng kiến từng căn biệt thự hạ xuống và những tòa cao ốc mọc lên. Cũng tại đây, giờ có những căn biệt thự rất "kỳ cục". Điển hình, căn biệt thự tại số 68 Phạm Ngọc Thạch bị đập bỏ một nửa và nửa còn lại bám vào tòa nhà kế bên.
Sống trong sợ hãi
Theo ông Trần Vĩnh Nam, nếu không sớm phân loại biệt thự sẽ có những căn nhà cổ không được bảo tồn và làm khó chủ nhà. Nói một cách dễ hiểu, những người sở hữu các căn biệt thự trước năm 1975 ở TP đang sống trong diện "quy hoạch treo", không được phép sửa chữa.
Căn biệt thự số 68 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP HCM chỉ còn một nửa Ảnh: LÊ PHONG
Còn đối với những người dân có chủ quyền thuộc dãy nhà cổ của hãng nước mắm Liên Thành (đường Võ Văn Kiệt, quận 1) sống trong sợ hãi. Vài ngày, người dân lại nghe tin ngói rớt, tường nứt. Dẫn chúng tôi vào bên trong căn nhà, ông Nguyễn Cảnh Hà luôn căn dặn phải ngó trước, nhìn sau để tránh sàn sập, mái ngói rớt. Ông cho biết nhiều lần, người dân ở đây làm đơn kiến nghị UBND quận 1 cho phép sửa chữa nhưng đều nhận phản hồi phải chờ. "Nhà ở "đất vàng" nhưng chẳng được kinh doanh, ngủ yên giấc. Hầu hết chủ nhà đều di chuyển sang nơi khác sống và cho những người làm nghề ve chai, bán hải sản thuê để chứa hàng" - ông Hà nói.
Trong khi đó, căn biệt thự của bà Trần Thị Bích, hàng xóm ông Hà, xuống cấp nhưng muốn sửa phải lén lút như ăn trộm. Để thấy rõ sự mục nát đó, bà Bích dẫn chúng tôi lên tầng 2 và cảm nhận độ rung của sàn gỗ. "Để cầm cự được, chúng tôi phải dùng kèo, cột gỗ chống đỡ. Nhìn như khu ổ chuột, hễ nghe tin ở đâu sập nhà là nổi da gà. Ai cũng lo vì không biết khu vực này khi nào thì được phép cải tạo lại hiện trạng" - bà Bích băn khoăn. Cùng cảnh ngộ, bà Ngô Thanh Hiền, chủ căn biệt thự số 138 Châu Văn Liêm (quận 5), phản ánh mặt tiền căn biệt thự giờ hoang tàn, chật chội. Hiện nay, chỉ có thể làm bãi giữ xe và một cửa hàng bán chè thuê để hoạt động. Bà thở dài: "Xin giấy phép phức tạp, muốn đập bỏ phải có ý kiến chủ tịch UBND TP. Chúng tôi có biệt thự mà khốn khổ hơn ở nhà tranh vách lá".
"Chịu chết", không giải quyết được
Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Thành Phương cho biết theo khảo sát thì 100% biệt thự trên địa bàn thuộc hạng 3. "Hạng 3 thì người ta sẽ được tách thửa, xây dựng lại nhưng giờ phải dừng hết vì hiện chưa ra được tiêu chí phân nhóm biệt thự nên cứ chờ trong khi người dân thì rất sốt ruột. Vừa rồi có một trường hợp xin tách thửa chia cho con cái nhưng quận chịu chết, không giải quyết được" - ông Phương nêu. Ông Phương thông tin TP đã thành lập một ban chỉ đạo về phân loại biệt thự do Viện Nghiên cứu phát triển TP chủ trì.
Theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, hiện có 1.271 căn biệt thự. Cụ thể, quận 1 có 189 căn, quận 3 có 838 căn, quận Thủ Đức 140 căn, quận 5 có 98 căn… Trong đó, phần lớn xây dựng trước năm 1975 và không được phép cải tạo, thay đổi hiện trạng. Ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, cho biết vào tháng 12-2016, đơn vị đã trình UBND TP dự thảo về tiêu chí đánh giá và phân loại các biệt thự cũ trên địa bàn. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa nhận được phản hồi chấp thuận hay không. Dự thảo phân loại 3 nhóm biệt thự. Nhóm 1 là biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do Hội đồng Bảo tồn xác định và lập danh sách để trình UBND TP phê duyệt. Những biệt thự này được giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Điển hình là căn biệt thự số 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh… Nhóm 2 là biệt thự có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử, văn hóa, không thuộc nhóm 1, cũng do Hội đồng Bảo tồn xác định, lập danh sách và UBND TP phê duyệt. Biệt thự nhóm này phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài, có thể thay đổi cấu trúc bên trong như các căn tại số 9 Võ Văn Tần, 15 Võ Văn Tần (quận 3)… Biệt thự nhóm 3 không thuộc nhóm 1 và nhóm 2, chủ nhà được xây, sửa theo các quy định về quy hoạch.
Phân tích việc phân loại và bảo tồn biệt thự có ý nghĩa gì cho người dân lẫn cơ quan quản lý nhà nước, ông Trí nói qua mỗi giai đoạn lịch sử đều có những công trình kiến trúc được hiện hữu. Việc bảo tồn là giữ lại các kiến trúc có giá trị di sản, cảnh quan xung quanh. Tuy nhiên, ông Trí lo ngại đang có khó khăn khi vấp phải "xung đột" giữa việc giữ gìn công trình kiến trúc cổ với lợi ích kinh tế của chủ nhà. "Phần lớn những người sở hữu biệt thự đều mua lại từ chủ cũ và luôn có ý định cải tạo để kinh doanh" - ông Trí nói. Theo ông, TP đang có những tính toán hỗ trợ chi phí các biệt thự cổ xuống cấp để tiếp tục duy trì công tác bảo tồn. "Quy trình phân loại biệt thự khá chặt chẽ. Bước đầu cho quận, huyện đánh giá, báo cáo Sở Xây dựng TP. Từ đó, đơn vị kiểm tra lại và trình UBND TP để chấp thuận. Tiếp đến, một đơn vị tư vấn do Sở Quy hoạch và Kiến trúc chọn có nhiệm vụ khảo sát về mặt thẩm mỹ và kết cấu của căn biệt thự đó. Cuối cùng, Hội đồng Phân loại họp và có thang điểm cụ thể để xác định căn biệt thự đó thuộc nhóm nào" - ông Trí phân tích.
Căn biệt thự trị giá hàng chục triệu USD sẽ ra sao?
Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP, căn biệt thự có địa chỉ 110-112 Võ Văn Tần (quận 3) có kiến trúc vững chắc thuộc nhóm 1 nên cần bảo tồn. Vừa qua, căn biệt thự này được bán cho một cá nhân với giá hàng chục triệu USD. Căn biệt thự này chỉ có thể làm địa điểm tham quan, du lịch hoặc làm nhà hàng, cửa hàng lưu niệm…; không được phép thay đổi họa tiết bên trong lẫn bên ngoài...
Bình luận (0)