Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM đang đẩy mạnh công tác xử phạt người vi phạm Luật Giao thông đường bộ qua hình ảnh từ camera.
Tâm phục khẩu phục
Tài xế Vũ Văn Quân (quê tỉnh Thái Bình) điều khiển ô tô lưu thông hướng từ quận 1 về quận Bình Thạnh, TP HCM. Khi đến gần ngã tư Hàng Xanh thì bị lực lượng CSGT yêu cầu tấp xe vào lề để xử lý vì đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ trước đó. Vừa bước xuống xe, tài xế Quân thắc mắc vì cho rằng mình không hề vi phạm trong quá trình điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên quãng đường nói trên. Ngay lập tức, tổ công tác trích dữ liệu trên máy tính ghi nhận trước đó cho thấy ô tô do tài xế Quân đang cầm lái đỗ không đúng nơi quy định. Lúc này, tài xế Quân mới chịu hợp tác, xuất trình giấy tờ, ký vào biên bản. “Rõ ràng vậy thì phải chịu thôi nhưng thật tình tôi cũng không biết hôm đó ai điều khiển xe” - tài xế Quân phân trần.
CSGT TP HCM giải thích cho một trường hợp vi phạm giao thông bị ghi hình qua camera
Tiếp đó, anh Vũ Văn Quán (quê Thái Bình) điều khiển taxi lưu thông hướng từ quận 1 về ngã tư Hàng Xanh thì bị các CSGT ở đây yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm về lỗi “Đậu xe nơi có biển báo cấm đậu xe”. Cũng như những tài xế trước, anh Quán tỏ vẻ bất bình vì cho rằng mình không hề vi phạm. Sau đó, tổ công tác đã giải thích, cung cấp dữ liệu chứng minh xe mà anh Quán đang cầm lái vi phạm lúc 10 giờ ngày 28-4 trên đường Công Xã Paris (quận 1). Đặc biệt, sau khi phát hiện xe của anh Quán vi phạm, CSGT đã thông báo về địa phương cho chủ phương tiện nhưng chưa đóng phạt thì anh Quán mới tâm phục khẩu phục.
Trước đó, tài xế Phạm Ngọc Hoanh điều khiển ô tô lưu thông hướng từ vòng xoay Điện Biên Phủ về cầu Sài Gòn cũng bị CSGT làm nhiệm vụ tại đây ra tín hiệu dừng xe để lập biên bản vi phạm. Vừa bước xuống xe, ông Hoanh hỏi ngay: “Xe mình đi cứu trợ bão lụt, có vi phạm gì đâu mà các anh thổi vào?”. Khi tổ công tác trích xuất nội dung dữ liệu cho thấy lúc 16 giờ 17 phút ngày 30-3, ô tô của ông Hoanh khi lưu thông qua hầm Thủ Thiêm đã chạy với tốc độ 71 km/giờ (vượt từ 10 km/giờ đến 20 km/giờ), tài xế Hoanh mới ký vào biên bản vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 2 triệu đồng.
Chỉ trong khoảng gần 1 giờ ngày 16-11, lực lượng PC67 làm nhiệm vụ tại khu vực gần ngã tư Hàng Xanh đã xử phạt gần chục trường hợp vi phạm qua hình ảnh camera. Thượng úy Trần Minh Thức, Đội phó Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông thuộc PC67, cho biết thường khi bị lập biên bản xử phạt, người điều khiển phương tiện tìm mọi lý do để chối như: không biết ai điều khiển xe khi vi phạm, không chấp nhận vi phạm khi chưa được xem camera… “Tuy nhiên, họ không thể chối được vì camera đã ghi lại hình ảnh nên chủ phương tiện phải có trách nhiệm yêu cầu người điều khiển phương tiện vi phạm chấp hành theo đúng quy định của pháp luật, nếu không thì chính chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm” - thượng úy Thức nói.
Tránh cự cãi, giảm quân số
Trung tá Phạm Công Danh, Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông thuộc PC67, cho biết trong thời gian diễn ra đợt cao điểm từ ngày 28-4 đến 28-10, đơn vị này đã xử phạt 8.552 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ qua camera. Trong đó, 779 trường hợp đã thực hiện quyết định, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 476 triệu đồng. Riêng từ giữa tháng 11-2015 đến nay, đã ghi hình, trích xuất hoàn thiện 48.409 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, trong đó có 12.438 trường hợp chấp hành quyết định xử phạt.
Theo trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng PC67, thông qua công tác ghi hình xử phạt, các trường hợp vi phạm được thể hiện rõ nét, đầy đủ chứng cứ nên người vi phạm buộc phải chấp hành. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực xử lý vi phạm hành chính cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Ngoài ra, còn giảm được lực lượng CSGT công khai trên đường, tránh sự tranh cãi giữa người vi phạm với lực lượng CSGT. Hơn nữa, giải pháp này phù hợp với tiến trình phát triển giao thông đô thị TP HCM trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đây là phương pháp đòi hỏi các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, trong đó camera khi chiết xuất hình ảnh phải bảo đảm 4 yếu tố pháp lý: ghi nhận được không gian, thời gian vi phạm, tín hiệu giao thông mà người điều khiển giao thông vi phạm và cuối cùng là biển số đăng ký của phương tiện vi phạm. “Hiện nay, nhờ camera, mỗi ngày PC67 phát hiện trên dưới 500 trường hợp vi phạm, gửi thông báo đến công an địa phương để báo về chủ phương tiện” - ông Phong thông tin.
Thế nhưng, PC67 thừa nhận so với hình thức phạt “nóng” thì xử phạt qua camera (phạt nguội) có tỉ lệ người vi phạm chấp hành thấp hơn. Đó là chưa nói đến nhiều trường hợp sau khi phát hiện vi phạm, gửi thông báo về công an địa phương để báo chủ phương tiện nhưng họ không đến nộp phạt. Để nâng cao hiệu quả phạt qua hình ảnh, sắp tới, PC67 sẽ thống kê các phương tiện thuộc những đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa. Đồng thời, nhân rộng ra các đội trực thuộc PC67 để tra cứu và mở rộng hoạt động ghi hình ở các tuyến đường có tình hình tai nạn giao thông phức tạp, phương tiện đậu bừa bãi như trước chợ, siêu thị, bệnh viện… nhằm nâng cao ý thức của người dân TP.
Hiện toàn TP đã kết nối 348 camera của Công an TP về hầm Thủ Thiêm, sau đó chia sẻ về Sở Giao thông Vận tải. Khoảng 4-6 tổ ghi hình lưu động/ngày với 10 camera di động. Ngoài ra, hệ thống camera còn giám sát tự động tại 6 khu vực thuộc đường hầm Thủ Thiêm, nút A cầu vượt Cát Lái và trên Quốc lộ 1.
Quy trình xử phạt
PC67 cho biết giải pháp xử phạt qua camera được thực hiện bằng 2 hình thức là ghi hình cố định và di động. Đối với ghi hình di động, PC67 sẽ bố trí một tổ CSGT hoạt động trên các tuyến đường. Sau đó, đưa về chiết xuất để xác định lỗi vi phạm. Tiếp đó, xác định chủ sở hữu phương tiện vi phạm, lập phiếu báo hành vi vi phạm, in thông báo vi phạm hành chính về giao thông rồi chuyển đến công an địa phương để mời đương sự tới trụ sở CSGT giải quyết. Khi chủ sở hữu hoặc người vi phạm đến trụ sở, CSGT sẽ trưng ra hình ảnh (bằng chứng vi phạm) để xác định vi phạm và ra quyết định xử phạt. Đối với hình thức cố định thì sẽ bố trí một tổ chuyên quay camera và một tổ tuần tra chốt chặn xử lý. Khi phát hiện phương tiện vi phạm, tổ CSGT ghi hình sẽ báo biển số xe và phương tiện qua hệ thống để tìm phương tiện. Sau đó, chiết xuất hình ảnh cho người điều khiển phương tiện xem hình ảnh và lập biên bản xử phạt.
Bình luận (0)