Sáng 31-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Theo đó, bổ sung quy định mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khoán kinh phí sử dụng tài sản công…
Quá khó thu hồi
Thảo luận tại tổ cùng ngày, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đồng tình với đa số ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS), đề nghị áp dụng mô hình quản lý trụ sở tập trung. Tuy nhiên, bà Tâm cũng lưu ý thêm rằng “quản lý tập trung” và “trụ sở tập trung” là 2 khái niệm khác nhau. Do đó, muốn quy định như dự thảo luật và báo cáo thẩm tra thì cần có đánh giá tác động cụ thể trong thời gian qua. “Nói là giao một bộ làm đầu mối quản lý thống nhất các cơ quan nhà nước thuộc trung ương như các nước đã làm thì tôi chưa hình dung được là bộ này quản lý như thế nào, đẻ thêm ra bộ máy nữa thì không biết như thế nào. Đề nghị ban soạn thảo làm rõ thêm” - bà Tâm đề nghị.
Một vấn đề bất cập khác được Chủ tịch HĐND TP HCM nêu ra là việc thu hồi trụ sở bỏ không. “TP hiện nay có các trụ sở bỏ không mười mấy, hai mươi năm thu hồi không được. HĐND đi giám sát đề nghị thu hồi làm trường học, bệnh viện, làm các thiết chế văn hóa thì không giao. Luật làm sao phải chế tài chỗ này đủ mạnh để giải quyết được” - bà Tâm kiến nghị.
Bổ sung thêm, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nhấn mạnh cần có cách điều chuyển sử dụng các trụ sở để khỏi tốn thêm tiền đầu tư trong việc xây trụ sở mới. “Ở quận 5 (TP HCM), tôi chứng kiến 1 trường mẫu giáo có cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng trong khi địa bàn quận 8, các cơ sở của các bộ, các kho bãi để rất lãng phí. Có những trụ sở của bộ ở tại TP có thể sử dụng cho giáo dục đào tạo, y tế, cho các thiết chế văn hóa nhưng muốn điều chuyển, muốn xin chuyển giao phải được sự đồng ý của các bộ, cơ quan quản lý tài sản.
Cũng liên quan đến thu hồi trụ sở, đáng chú ý là ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) dẫn lại trường hợp khi Đà Nẵng xây khu hành chính tập trung 2.000 tỉ đồng thì cho rằng tòa tháp “rất hay” nhưng tới khi muốn bỏ lại nêu lý do không bảo đảm kỹ thuật. “Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm khi 2.000 tỉ đồng ngân sách đã bỏ ra xây trụ sở hoành tráng như vậy?” - nữ ĐB TP Hà Nội đặt câu hỏi. Từ thực tế này, bà Khánh cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan phải ngồi lại để xây dựng mô hình khu hành chính tập trung áp dụng chung cho cả nước, chứ không thể mạnh ai nấy làm, mỗi nơi mỗi kiểu.
Băn khoăn thời điểm nổ súng
Cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, ĐB Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, cho rằng luật quy định tương đối chặt chẽ là nổ súng có cảnh báo và không cảnh báo. “Thực tế trước nay có nhiều sơ hở, người cầm súng có khi lúng túng, có khi lạm quyền, không đáng nổ súng thì lại nổ súng nên có trường hợp phải ra tòa. Do đó, dự luật cần bổ sung quy định nổ súng không cảnh báo. Ví dụ, bảo vệ yếu nhân, nếu không tiêu diệt kịp thì nguy hại xảy ra” - ông Việt nêu. Theo ĐB Việt, cần trao cho người cầm súng có quyền chủ động nhưng ngược lại, người cầm súng cũng không được lạm dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định nổ súng và không được nổ súng là ranh giới rất mong manh. Quy định như thế nào để bảo đảm cho người thi hành công vụ được giao quyền sử dụng súng kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn hành vi xâm phạm đến công dân, bản thân và người khác nhưng cũng phải quy định chặt chẽ để không có lạm dụng, vượt quá.
ĐB Dương Ngọc Hải, Viện trưởng VKSND TP HCM, cũng phân tích nổ súng khi thi hành nhiệm vụ phụ thuộc lớn vào ý chí của người nổ súng. Việc nổ súng hay không nổ súng không quy định rõ ràng thì sẽ xảy ra hậu quả. “Nổ súng sớm quá thì anh phải chịu trách nhiệm, nếu nổ muộn quá thì nguy hiểm đến tính mạng. Điểm này quy định chưa rõ nên cần quy định rõ ràng” - ông Hải đề nghị.
Loạn quy mô phòng làm việc
ĐB Lê Thanh Vân đánh giá quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công còn nhiều bất cập, như quy định phòng làm việc. Đó là lâu nay chưa có quy định ở cấp nào thì được sử dụng phòng như thế nào nên mạnh ai nấy làm. Ông Vân dẫn chứng: “Có những phòng của giám đốc công an tỉnh chưa chắc phòng của Thủ tướng to bằng! Hay như tại địa phương, phòng của sở còn to hơn phòng của Tỉnh ủy”. Do đó, theo ông Vân, nên xem xét kỹ lưỡng dự thảo luật này trong 3 kỳ họp, sau đó vừa làm vừa tổng kết rồi nâng lên thành bộ luật.
Bình luận (0)