Ngày 12-8, ông Trần Đình Quỳnh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP Đà Nẵng, cho biết câu chuyện di dời trung tâm hành chính (TTHC) TP chỉ mới là “định hướng trong tương lai”.
Lãng phí lớn
Trong khi đó, hầu như khắp TP Đà Nẵng, câu chuyện được người dân bàn tán nhiều nhất trong ngày 12-8 là chuyện lãnh đạo TP này tính di dời TTHC hơn 2.100 tỉ đồng. Ngồi dưới chân cầu sông Hàn, nhiều cán bộ hưu trí tỏ ra bức xúc: “Khi xây thì “làm cho cố” vào, ngàn tỉ này ngàn tỉ kia mà không xót, nay lại tính chuyện dời đi. Như vậy chẳng khác nào làm trò cười cho thiên hạ”.
Đến làm việc tại TTHC TP Đà Nẵng, ông Đinh Vương Dũng (ngụ phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) rất bất ngờ trước thông tin TP muốn di dời trụ sở. Theo ông Dũng, TP này đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng TTHC, trước khi xây dựng, cơ quan chức năng phải nghiên cứu, tính toán kỹ ngay từ đầu. Thế mà nay viện cớ không khí không sạch, ảnh hưởng sức khỏe, vậy thì ai dám mua lại.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, cho rằng sự lãng phí không chỉ bắt nguồn từ việc TP Đà Nẵng xây dựng TTHC với những nhược điểm chết người như vậy mà còn ở quyết định vội vàng về việc di dời đến địa điểm mới. Để giải quyết những nhược điểm của tòa nhà, cần tính đến các giải pháp kỹ thuật, khi không giải quyết được mới cân nhắc di dời.
Còn ông Trần Đình Quỳnh khẳng định đến thời điểm này, không có vấn đề gì ở TTHC. Việc thiếu dưỡng khí chỉ xảy ra ở một số phòng họp khi có người dự đông và TP đã có giải pháp, hồ sơ thiết kế đã phê duyệt sắp triển khai thi công. Còn ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, nói chưa nghe phản ánh gì về chuyện thiếu ôxy trong tòa nhà!
Do quan tâm nhiều đến hình thức
Sáng 12-8, ông Hoàng Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP Đà Nẵng - cho biết nhiều nhà tư vấn đã tham gia thiết kế tòa nhà TTHC TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, TP Đà Nẵng đã chọn phương án của Hàn Quốc thiên về hình thức mà ít quan tâm đến công năng sử dụng.
Do thiết kế theo hình tròn lại bọc bởi hệ thống kính theo chiều cao nên rất khó giải quyết bài toán thông thoáng cũng như thoát nạn lúc gặp sự cố, chẳng hạn cháy nổ, khủng bố. “Ở ta chưa có khủng bố nhưng giả sử có kẻ nào đặt bom dưới chân thì coi như chết, không thể nào thoát hiểm. Công năng của công trình này khá kém!” - ông Huy nêu vấn đề.
Vì lo ngại như vậy nên có ý kiến cho rằng những cơ quan điều hành, cơ quan chỉ đạo như là UBND nên về lại số 42 Bạch Đằng. Tuy nhiên, chỉ ủy ban đi mà các cơ quan ban - ngành còn nằm lại thì lãng phí cả công trình lớn nên nếu chuyển thì chuyển hết. Ông Huy không cho rằng công trình mới được 1-2 năm đã chuyển đi là lãng phí bởi nếu không phù hợp thì nên chuyển đổi công năng.
Trách nhiệm tập thể; rút kinh nghiệm (!)
Không phải đến công trình TTHC mới nói chuyện nhượng quyền để doanh nghiệp cải tạo. Trước đó, ở TP Đà Nẵng có công trình nhà biểu diễn đa năng, công viên nước và một công trình nổi tiếng khác khi TP xây xong thì không phù hợp với công năng sử dụng nên đã giao cho một tập đoàn lớn cải tạo để kinh doanh. Ông Huy cho biết chính tập đoàn này muốn tiếp nhận TTHC TP Đà Nẵng để cải tạo.
Ông Hoàng Quang Huy từng nằm trong hội đồng kiến trúc quy hoạch lúc đó và đã phản ứng việc lựa chọn thiết kế này. Dù vậy, người quyết định chọn phương án này là ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, lúc đó là Giám đốc Sở Xây dựng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc của TP.
“Chủ tịch hội đồng kiến trúc quyết, sau đó báo cáo lãnh đạo TP xem xét. Ý kiến của hội đồng kiến trúc quy hoạch lúc đó có trọng lượng nên lãnh đạo TP nghe theo” - ông Huy bày tỏ.
Ông Huy cho rằng không nên quy trách nhiệm cho cá nhân mà đó là trách nhiệm của tập thể bởi khi TP bắt tay vào đổi mới, phát triển, chỉ đạo của lãnh đạo TP là làm thế nào rút ngắn công đoạn chuẩn bị, đuổi kịp những đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM nên không tránh khỏi sai sót.
Ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch và Phát triển TP Đà Nẵng, cho rằng TTHC hiện nay nhìn không uy nghi mà giống trung tâm thương mại nhiều hơn. Ông đồng quan điểm với ông Huy về việc quy tụ công chức vào một tòa nhà là sai sót, nên rút kinh nghiệm để làm cái khác tốt hơn!
PGS-TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng:
Không nên vội vàng
Chủ trương xây dựng TTHC liên cơ quan sẽ tạo sự kết nối trong công việc, thuận lợi trong liên hệ nội bộ. Tuy nhiên, với quy mô xây dựng lớn đòi hỏi diện tích trải rộng, vị trí đắc địa, tốn kém. Chưa kể lượng người dồn vào đó quá đông sẽ gây áp lực lên giao thông. Về tòa nhà TTHC Đà Nẵng, việc di chuyển sẽ rất tốn kém. Cần đánh giá về hiện trạng tòa nhà, khả năng cải thiện, sửa chữa như thế nào và có lộ trình cải tạo nó. Do đó, cần có người đủ trình độ đánh giá, không nên vội vàng kết luận.
KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam:
Sửa không được thì mới di dời
Tôi từng có ý kiến về việc tòa nhà bọc kính kín sẽ gây ra tình trạng thiếu ôxy. Khi đó, việc bơm dưỡng khí chỉ là biện pháp chữa cháy thôi, còn về lâu về dài thì sự cố thiếu ôxy phải có biện pháp sửa chữa phù hợp. Trong trường hợp không sửa được thì TP Đà Nẵng mới nên quyết định di dời và xây tòa nhà mới, vì bỏ đi một công trình như thế lãng phí rất lớn tiền ngân sách nhà nước. Ph.Nhung ghi
Bình luận (0)