Ngày 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi).
Mẹ đơn thân được xác định họ cho con
Về quyền đặt tên, thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của QH Phan Trung Lý cho biết dự thảo được chỉnh lý theo hướng chỉ quy định giới hạn về đặt tên đối với người có quốc tịch Việt Nam mà không áp dụng đối với người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam. Đáng chú ý, dự thảo đã bỏ quy định “Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái” do chưa xác định rõ cơ sở hợp lý của việc giới hạn này và cũng không phù hợp với quy định trong Hiến pháp.
UBPL cũng đề nghị tiếp thu ý kiến cho rằng trường hợp phụ nữ độc thân có con thì họ của con được xác định theo họ của mẹ là quá cứng nhắc và nên quy định theo hướng họ của con do người mẹ quyết định.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị cần có quy định nhấn mạnh đặt tên phải phù hợp với tập quán của dân tộc, địa phương. Luật nên cho phép nếu tên không phù hợp với tập quán thì cơ quan đăng ký hộ tịch có thể hướng dẫn, giải thích cho người dân. “Luật không làm rõ được thì sẽ dẫn đến cảnh tên Hàn Quốc, tên theo cầu thủ, tên nước ngoài... Nước Nga đông dân như vậy nhưng nhìn thấy chữ đệm biết ngay cha tên là gì, còn ở ta lâu nay đặt lung tung hết cả” - ông Cường nói.
Chuyển đổi giới tính là quyền con người
Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) đề xuất quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 điều này”.
Về vấn đề này, theo ông Phan Trung Lý, nhiều ý kiến trong Thường trực UBPL cho rằng việc khẳng định nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính ngay trong dự thảo luật cần được cân nhắc kỹ bởi có thể xâm phạm đến quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Mặt khác, quy định này lại mâu thuẫn với quy định cho phép cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác. Vì vậy, đa số ý kiến thành viên UBPL nhận định quyền chuyển đổi giới tính là quyền con người, cần được ghi nhận trong luật.
“Để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, dự thảo cần chỉnh lý theo hướng xác định đây là quyền con người, quyền này sẽ thực hiện theo quy định của luật. Trên cơ sở đó, QH sẽ giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất để xem xét, quyết định vấn đề này bằng một văn bản luật” - ông Lý góp ý.
Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng quy định như dự thảo sẽ “vướng” vì Luật Hôn nhân và Gia đình không thừa nhận hôn nhân đồng giới. Lo ngại hệ lụy về mặt xã hội rất lớn khi chưa có cơ sở pháp lý để xử lý, ông Khánh kiến nghị không nên quy định vấn đề này trong Bộ Luật Dân sự (sửa đổi).
Đề xuất mô hình “chính quyền cảng”
Cùng ngày, UBTVQH cũng cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi). Băn khoăn trước quy định về Ban Quản lý và khai thác cảng vụ liệu có chồng chéo, ông Phan Trung Lý đề nghị UBTVQH mạnh dạn cho sử dụng khái niệm “chính quyền cảng” để bao quát hết việc này vì khái niệm “Ban Quản lý và khai thác cảng vụ” vừa dài vừa không rõ ràng.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng mô hình Ban Quản lý và khai thác cảng vụ ra đời nhằm khắc phục tình trạng trong cùng một khu vực có quá nhiều cảng, nhiều bến, nhiều doanh nghiệp đầu tư dàn trải, manh mún, cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm ăn không hiệu quả. Mô hình này sẽ thống nhất về quản lý, đầu tư, khai thác để trong cùng một khu vực thì đầu tư cảng có hiệu quả, không bị chồng chéo và trước mắt chỉ áp dụng với việc đầu tư cảng mới.
Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Quang Đạm cho biết tình hình trên biển và an ninh hàng hải đang diễn biến phức tạp nên bộ luật này cần sớm ra đời. Mặt khác, rất nhiều hoạt động liên quan an ninh hàng hải diễn ra ngoài lãnh hải mà trong Công ước Luật Biển không điều chỉnh, giao quyền đó cho quốc gia ven biển thì luật pháp của chúng ta vẫn còn bỏ ngỏ; như hiện tượng buôn bán dầu trên biển diễn ra phổ biến nhưng các luật của chúng ta chưa điều chỉnh nên Cảnh sát biển bắt giữ được cũng rất khó xử lý; do đó, đề nghị phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Hàng hải (sửa đổi) rộng hơn để cơ quan chấp pháp trên biển có công cụ hoạt động tốt hơn.
Bình luận (0)