Từ ngày 13 đến 15-5, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM tổ chức nhiều cuộc họp với đại diện hơn 20 cảng biển, kho, bến bãi và hàng trăm doanh nghiệp vận tải nhằm tìm kiếm sự đồng thuận để triển khai kế hoạch kiểm tra tải trọng xe từ đầu nguồn… Dự kiến, cuối tháng 5-2014, TP HCM sẽ bắt đầu kiểm tra tải trọng xe theo chỉ đạo mới.
Nhiều cản trở
Sau nhiều cuộc họp, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết sở vẫn chưa gút lại cách đặt trạm cân tại các cảng do phát sinh nhiều vấn đề. Ví dụ, với cảng có đến 30 cổng ra vào thì đặt trạm cân ở đâu, trong khi không thể đặt hết 30 cổng và cũng khó buộc chủ phương tiện chỉ được ra cổng có trạm cân. Vả lại, việc đặt trạm cân trước cảng để kiểm tra tải trọng lại vướng thủ tục hải quan. Bởi khi phát hiện xe quá tải, lực lượng chức năng không thể buộc chủ phương tiện quay vào cảng hạ tải vì hàng đã niêm phong, kẹp chì. Do đó, phải bố trí bãi hạ tải ngoài cảng. Điều này dễ phát sinh ùn ứ.
Đại diện Tân Cảng Sài Gòn cho biết: Hiện nay, nhiều cảng chỉ kiểm soát tải trọng xe vào mà không kiểm soát xe ra khỏi cảng và chủ yếu căn cứ vào phiếu xuất kho của chủ hàng. Nếu đặt thêm trạm cân kiểm soát “đầu ra” và hạ tải trong cảng sẽ gây ùn tắc cả trong lẫn ngoài cảng. Vì vậy, việc đặt trạm cân trong cảng cần có lộ trình. Các cảng VICT và Cát Lái trước giờ cũng không đặt trạm cân để kiểm soát lượt ra của phương tiện.
Đại diện cảng Cát Lái cho rằng: Nếu Sở GTVT tin tưởng khai báo của chủ hàng thì kiểm tra tải trọng trên phiếu xuất hàng và không phải đặt trạm cân.
Doanh nghiệp phản ứng cách cân tải trọng
Cuộc họp “nóng” hẳn khi các doanh nghiệp vận tải chất vấn lãnh đạo Sở GTVT và đại diện Thanh tra giao thông. Các doanh nghiệp cho rằng nhiều trường hợp bị phạt oan do cách cân tải trọng xe của các trạm khác nhau.
Ông Huỳnh Ái Việt, chủ doanh nghiệp vận tải Việt Huỳnh Gia, thắc mắc: “Từ cảng Cát Lái ra, khi qua trạm cân Mỹ Thủy của Đội Thanh tra giao thông số 5, xe của tôi bị phạt do quá tải hơn 20%. Tuy nhiên, sau đó, trạm cân trên đường Nguyễn Văn Linh lại xác nhận xe không quá tải. Sau này, tôi mới biết do một bên cân theo tổng tải trọng thiết kế, một bên cân theo tải trọng trục xe. Như vậy, chúng tôi sai hay lực lượng kiểm tra sai?”.
Tương tự, đại diện doanh nghiệp vận tải Duy Tài có 10 xe tải nặng chạy tuyến Bắc - Nam cho biết: Tính theo trục, một xe của doanh nghiệp được chở 48 tấn nhưng thường chỉ chở 46-47 tấn. Khi ra đến Huế, xe bị lập biên bản quá tải do tải trọng lên đến 49,7 tấn nhưng sau đó, trạm ở Ninh Bình cân còn 46,8 tấn.
Về bất cập này, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, cho biết: Đang chờ Tổng cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn thống nhất cách tính tải trọng xe theo hướng có lợi cho doanh nghiệp vận tải.
Theo ông Việt, TP HCM hiện có 2 loại cân tải trọng xe, trong đó trạm đặt tại vòng xoay Mỹ Thủy và Bến xe Ngã tư Ga cân theo tải trọng thiết kế; trạm cân lưu động do Tổng cục Đường bộ cấp đặt trên đường Nguyễn Văn Linh cân theo quy định mới của Bộ GTVT thường cho kết quả cao hơn tải trọng thiết kế.
Cần các cảng hợp tác
Theo ông Dương Hồng Thanh, việc đặt trạm cân trên đường chỉ giải quyết phần ngọn trong việc kiểm soát tải trọng và không thể hạ tải. Tuy khó nhưng vẫn phải tìm cách đặt trạm cân tại các cảng, bến, kho bãi để giải quyết vấn đề từ gốc. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP nên các cảng cần chia sẻ và cùng Sở GTVT tìm giải pháp thích hợp.
Trước đó, trong cuộc họp với các đơn vị liên quan, ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết: Bộ GTVT chỉ đạo cảng nào không chấp hành việc đặt trạm cân thì báo lên bộ để ngưng hoạt động, không thể vì lợi ích riêng mà làm ảnh hưởng đến xã hội.
Bình luận (0)