Chiều 20-5, Quốc hội (QH) đã nghe ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992.
Ông Phan Trung Lý: Tên gọi nước “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã trở nên quen thuộc
Tốn kém, phức tạp
Về nội dung được nhiều người dân quan tâm là tên nước (chương I - Chế độ chính trị), ông Phan Trung Lý cho biết đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tên gọi này đã sử dụng ổn định từ tháng 7-1976 đến nay, được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp.
Về điều 4 DTSĐHP, ý kiến nhân dân cơ bản tán thành việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; tán thành bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị QH cho giữ điều 4 như dự thảo đã công bố, đồng thời không đưa vấn đề ban hành luật về Đảng vào dự thảo Hiến pháp.
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân
Một nội dung quan trọng khác được hiến định là quyền sở hữu đất đai, ông Phan Trung Lý cho biết có 3 loại ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo và cho rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp. Ý kiến khác đề nghị đa dạng hóa sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tập thể, sở hữu cộng đồng và sở hữu tư nhân về đất ở. Loại ý kiến thứ ba đề nghị tách thành 2 điều: về sở hữu toàn dân và quy định về sở hữu Nhà nước.
Ủy ban DTSĐHP cho rằng sở hữu về đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là chính trị - xã hội. Quy định đất đai, các tài nguyên thiên thiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý... thuộc sở hữu toàn dân là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980 đến nay. Do vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị giữ nguyên cách dùng khái niệm “sở hữu toàn dân” và không quy định đa sở hữu về đất đai.
Tại chương IV - Bảo vệ Tổ quốc, trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến nhân dân, Ủy ban DTSĐHP trình QH thể hiện lại điều 70 như sau: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân; có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.
Cần có một điều quy định về Công đoàn Theo ông Phan Trung Lý, có 2 phương án sửa đổi, bổ sung điều 10 trong Hiến pháp. Phương án 1, bỏ điều 10, chuyển nội dung về Công đoàn (CĐ) vào quy định cùng các tổ chức chính trị - xã hội khác tại khoản 2 điều 9. Phương án 2, đề xuất quy định: CĐ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động; được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, kinh tế - xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH TP Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng trong Hiến pháp sửa đổi cần có một điều riêng quy định về CĐ. “Hiến pháp 1980 khẳng định vai trò của CĐ và đến Hiến pháp 1992 đã có một điều riêng về tổ chức này vì Đảng Cộng sản Việt Nam xác định công nhân là giai cấp tiền phong, lãnh đạo, đại diện cho toàn bộ người lao động” - ông Vinh nói. |
Bình luận (0)