Theo lịch trình phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), đầu giờ chiều 11-3, Ủy ban TVQH sẽ họp cho ý kiến việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, sáng 11-3, Trung tâm Báo chí - Vụ Thông tin, Văn phòng QH đã có thông báo gửi phóng viên các cơ quan báo chí nêu rõ: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Văn phòng QH, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí không tham dự và đưa tin về việc Ủy ban TVQH cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 vào chiều 11-3” .
Sẽ trình Quốc hội việc sửa đổi Nghị quyết 35
Chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH họp cho ý kiến về kỳ họp thứ 7 QH khóa XIII, dự kiến khai mạc ngày 20-5 và bế mạc ngày 24-6. Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo đề nghị bổ sung nội dung trình QH cho ý kiến dự án Luật Hộ tịch và trình QH xem xét, thông qua 2 dự thảo nghị quyết: Việc xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015; việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35.
Đáng chú ý, 2 nội dung được đề nghị rút ra khỏi chương trình là: Việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng QH lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 7 và dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Cho ý kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha đề nghị nên thống nhất để dư luận hiểu rõ việc tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 7 là để sửa Nghị quyết 35 chứ không phải dừng hẳn. Đồng tình, Trưởng Ban Công tác đại biểu, bà Nguyễn Thị Nương, cho rằng dư luận hiểu chưa rõ việc tạm dừng. “Không phải dừng hẳn mà tạm dừng để sửa nghị quyết cho rõ ràng, bảo đảm chất lượng lấy phiếu tín nhiệm đồng bộ trong toàn hệ thống” - bà Nương giải thích.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Lấy phiếu tín nhiệm là việc làm hay. Vừa qua, có dư luận lo ngại QH không làm nữa là không phải. Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm chỉ tạm dừng tại kỳ họp thứ 7 là để sửa Nghị quyết 35 cho chất lượng hơn, đồng bộ hơn chứ không phải dừng hẳn. Sửa nghị quyết để làm tiếp tốt hơn chứ không phải không làm nữa”.
Theo dự kiến, tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 sẽ được trình tại kỳ họp thứ 7 tới. Trước đó, việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 35 được tiến hành lần đầu tiên tại kỳ họp QH thứ 5, tháng 5-2013.
Đơn phương miễn thị thực
Cùng ngày, Ủy ban TVQH cũng họp cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH, ông Nguyễn Kim Khoa, cho biết dự luật được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân một nước; giao cho Chính phủ căn cứ vào đó để quyết định cụ thể miễn thị thực cho công dân từng nước nhằm bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đối ngoại, mở cửa và hội nhập.
Giải đáp thắc mắc của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng về việc đơn phương miễn thị thực, ông Nguyễn Kim Khoa cho biết hiện có 7 nước được đơn phương miễn thị thực vì liên quan đến chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, ủy ban đề nghị phải có thời hạn chứ không để vô thời hạn như quy định hiện hành.
Liên quan đến tạm trú tại KCN, KCX, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khu vực biên giới, nhiều ý kiến đề nghị dự luật quy định cụ thể việc tạm trú của người nước ngoài để đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền và cơ quan chức năng.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết ông vừa đi công tác tại Phú Quốc và nghe địa phương đề nghị: Với những khu đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như Phú Quốc, chưa nên đưa vào luật lúc này vì sớm quá. Giải trình, ông Nguyễn Kim Khoa cho biết nội dung này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp. Chính phủ cũng vừa có quyết định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở Phú Quốc. Theo ông Khoa, những quy định về cư trú với người nước ngoài ở các khu kinh tế - hành chính đặc biệt như Phú Quốc và tới đây là Vân Đồn (Quảng Ninh) nên để cho Chính phủ quy định.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần nghiên cứu, rà soát kỹ theo Hiến pháp sửa đổi. Ngoài ra, các quy định phải theo hướng cải cách thủ tục hành chính. “Làm sao để mỗi lần xây dựng luật, sửa đổi, điều chỉnh là một lần cải cách hành chính” - ông Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.
Rà soát lại các dự án để tránh lãng phí
Cùng ngày, Ủy ban TVQH cũng cho ý kiến về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014-2015 cần rà soát lại. Tán thành với tờ trình của Chính phủ nhưng một số thành viên Ủy ban TVQH đề nghị cần rà soát dự án để tránh lãng phí, hiệu quả thấp.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch QH, đề nghị: “Ủy ban TVQH phải cương quyết, thực hiện nghiêm, không chạy theo nhu cầu tăng tổng mức đầu tư của các bộ, địa phương rồi cố tìm nguồn”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu nhận xét: “Tôi thấy nhiều dự án khó cân đối kịp thời. Do đó, cần rà soát lần nữa, làm rốt ráo để sắp tới báo cáo trước Đảng, trước dân”.
Bình luận (0)