xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Việt Nam giảm máy bay tìm kiếm từ 7 xuống 3 chiếc

N.Quyết - C.Linh - M.Duy - T.Hà

(NLĐO)- Trong kế hoạch tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích của Malaysia ngày mai (13-3), Việt Nam duy trì lực lượng và phương tiện như các ngày trước song số lượng máy bay huy động chỉ còn 3 chiếc, so với 7 chiếc của ngày 12-3.

 

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (thứ 3 từ trái qua) đang nghe báo cáo về việc tìm kiếm máy bay mất tích vào chiều 12-3 - Ảnh: Nguyễn Quyết
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (thứ 3 từ trái qua) đang nghe báo cáo về việc tìm kiếm máy bay mất tích vào chiều 12-3 - Ảnh: Nguyễn Quyết

 

17 giờ 30: Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết trong ngày 12-3, ủy ban đã tiến hành xác minh thông tin về việc phía Malaysia phát hiện vị trí máy bay MH370 ở khu vực phía Bắc đảo Malacca. Tuy nhiên, Cục lãnh sự Việt Nam, Tùy viên quân sự các nước Malaysia, Singapore và Mỹ tại Hà Nội cũng như kênh phối hợp hàng hải đều trả lời là không chính xác.

Mặc dù vậy, phía Malaysia đã dừng tìm kiếm trong vùng biển Việt Nam, tập trung mở rộng tìm kiếm sang hướng Malacca.

Về kế hoạch ngày mai (13-3), Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết tất cả các lực lượng, phương tiện cơ bản như ngày 12-3. Tuy nhiên, lực lượng máy bay sẽ tổ chức kíp trực còn lại sử dụng 3 máy bay, trong đó 1 máy bay CASA-212 và 2 máy bay AN26 bay mở rộng tìm kiếm khu vực Nam của DK1 đến Bắc của vùng chồng lấn Việt Nam - Malaysia và sử dụng 8 tàu để tiếp tục tìm kiếm. Trong khi đó, theo kế hoạch công bố sáng sớm 12-3, Việt Nam huy động 9 máy bay tìm kiếm máy bay Malaysia trong ngày cùng ngày.

Trên biển vẫn sử dụng 8 tàu và di chuyển về vị trí phân công để phối hợp, kết hợp với lực lượng nước ngoài, đồng thời hướng về khu vực DK1.

 

Đại tá Trần Văn Quan - Trung đoàn Trưởng Trung đoàn trực thăng 917, sư đoàn không quân 370, Quân chủng Phòng không - Không quân- trực tiếp điều khiển Mi-171 bay tìm máy bay Malaysia mất tích - Ảnh: Mạnh Duy
Đại tá Trần Văn Quan - Trung đoàn Trưởng Trung đoàn trực thăng 917, sư đoàn không quân 370, Quân chủng Phòng không - Không quân- trực tiếp điều khiển Mi-171 bay tìm máy bay Malaysia mất tích - Ảnh: Mạnh Duy

 

15 giờ 30: Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - tiếp tục chủ trì buổi họp tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để nghe báo cáo và chỉ đạo việc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích.

Theo ông Vũ Thế Chiến, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trong ngày 12-3, việc tìm kiếm diễn ra theo kế hoạch với tần suất sử dụng máy bay tương đối cao cả trên biển lẫn trên bộ.

Theo nhận định, khả năng máy bay gặp nạn trên đất liền cũng rất ít. Manh mối duy nhất là ngày 8-3 có tín hiệu thông tin ở khu vực Lâm Đồng song khi kiểm tra lại không có gì.

Hiện 2 tàu có dự trữ nhiên liệu nhỏ cho lực lượng tìm kiếm đã được thay thế bằng tàu lớn hơn. Đề xuất chỉ sử dụng 1 máy bay AN26 và 1 máy bay CASA-212 rà soát trên vùng trời, còn lại trực trên bờ.

Nhìn nhận các “kịch bản” có thể xảy ra với máy bay mất tích, Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng phòng không - Không quân Việt Nam, đánh giá giả thiết nếu máy bay nổ trên không thì vẫn có mảnh vỡ bay ra, cũng dễ phát hiện hơn. Còn giả thiết máy bay đã đi sâu vào vùng biển thì cũng phải có manh mối vì đã tìm kiếm cả bên trái và bên phải đường bay dự kiến.

Trung tướng Hòa lưu ý không loại trừ trường hợp máy bay bị tai nạn lại rơi hướng ngược lại vì nó có thể thay đổi hướng bay khi gặp sự cố.

Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng, đề xuất những ngày qua đã huy động tối đa lực lượng tàu, máy bay tìm kiếm mà vẫn không thấy, nên tới đây cần tập trung đi tìm chứ không còn cấp bách như nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ban đầu.

Đề xuất hướng giữ lực lượng tàu, máy bay tìm kiếm và phối hợp với tàu thuyền nước ngoài. Riêng tần suất bay điều chỉnh cho phù hợp. Đề nghị cho tàu HQ 888 Trần Đại Nghĩa về, khi nào có phát hiện mới thì tiếp tục điều động.

Nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục tìm kiếm, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham  mưu trưởng QĐND Việt Nam, đưa ra 1 ví dụ: cách đây 30 năm có phi công lái chiếc máy bay MIG rơi xuống biển song chỉ bị gãy cánh, sau đó tìm thấy, trục vớt lên vẫn sử dụng được.

Do vậy, không loại trừ nó bị hỏng và đang nằm dưới nước. Phương pháp là tiếp tục sử dụng lực lượng chia các vị trí kiểm tra khu vực xung quanh. Các máy bay nối nhau liên tục từ sáng tới tối.

 

Trung tướng Võ Văn Tuấn trả lời báo chí sáng 12-3 - Ảnh: Nguyễn Quyết
Trung tướng Võ Văn Tuấn trả lời báo chí sáng 12-3 - Ảnh: Nguyễn Quyết

 

Sau khi nghe báo cáo, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nhận định phía Việt Nam đã quyết tâm và kiên trì rải lực lượng tương đối lớn. Đến nay đã tìm kiếm tương đối kỹ ở khu vực biển nơi mất tín hiệu chiếc máy bay. Khi phía Malaysia chưa có thông báo gì thêm thì nhiệm vụ của Việt Nam là phải tiếp tục tìm kiếm. Phải mở rộng khu vực tìm kiếm ra hai bên đường bay dự kiến của chiếc MH370 cũng như trên đất liền.

Về quân số vẫn giữ nguyên song không cần tần suất lớn như trước nữa. Mỗi ngày chỉ cần cất cánh 2-3 chiếc bay cùng lúc, các máy bay còn lại thì chờ ở căn cứ vì thời điểm này đã có nhiều quốc gia tham gia.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đồng ý để đưa tàu HQ 888 Trần Đại Nghĩa trở về, khi nào phát hiện ra nghi vấn sẽ điều động sau. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn cần phải có kế hoạch báo cáo hàng ngày, được điều đi thì mới xuất phát. Đầu mối được giao cho Cục Cứu hộ- Cứu nạn.

Bên cạnh đó, Thượng tướng Tỵ đặc biệt lưu ý với tàu, máy bay của nước bạn phải có sự quản lý chặt chẽ để bảo vệ chủ quyền của nước ta.

10 giờ 45: Theo thông báo của Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, lực lượng  tìm kiếm ngày 12-3 trên vùng biển gồm: Về tàu: Hiện có 31 tàu, trong đó Việt Nam 9 tàu, Malaysia 9, Trung Quốc 6, Mỹ 3, Thái Lan 1, Singapore 3.

Về máy bay: Việt Nam 8, Malaysia 4, Trung Quốc 4, Mỹ 4, Singapore 2.

Tọa độ tìm kiếm: Mở rộng về phía Đông, cụ thể: từ 7o00’ đến 9o45’ vĩ độ Bắc, 105o đến 1070 kinh độ Đông.

 

Malaysia trả lời về thông tin nói máy bay mất tích ở Malacca

10 giờ 30, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết phía Malaysia đã trả lời Việt Nam về việc có hay không máy bay MH370 mất tích ở eo biển Malacca.

Thông tin được điện gửi về Việt Nam khẳng định Cục Hàng không Malaysia chưa có nguồn tin chính thức về việc có hay không mảnh vỡ của máy bay mất tích ở eo biển Malacca vì vậy Malaysia chưa khẳng định chính thức thông tin này.

Malaysia khẳng định nguồn tin báo chí đưa về việc máy bay mất tích ở eo biển Malacca là không chính thức. Cục Hàng không Malaysia không đưa ra thông tin này.

Đại diện Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam cho hay Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm theo kế hoạch với 2 máy bay AN26, 2 CASA-212, máy bay của Không quân, Hải quân Việt Nam.

 

9 giờ 30: Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, chính thức thông tin báo chí rằng không có việc Việt Nam hạn chế tìm kiếm máy bay mất tích.

“Chúng tôi không dừng lại, không thu hẹp mà còn mở rộng hơn so với những ngày trước. Tôi có trao đổi với Thứ trưởng GTVT Phạm Quý Tiêu và có thể nói, các kế hoạch vẫn không có gì thay đổi so với hôm qua 11-3” - Tướng Tuấn khẳng định.

Phía đảo Phú Quốc chỉ là một đơn vị triển khai kế hoạch, do địa điểm ấy không còn thuận tiện cho việc tìm kiếm nên sẽ có sự di chuyển đối.

Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, kế hoạch triển khai trong ngày 12-3 đã được Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - chỉ đạo và không có gì thay đổi.

“Việc tìm kiếm sẽ chỉ kết thúc đến khi máy bay được tìm thấy vì hiện nay chưa xác định được trên biển hay đất liền. 4 ngày qua chưa có bất kỳ một manh mối nào thể hiện máy bay đã rơi ở vùng biển đã tìm kiếm” - Phó Tổng tham mưu trưởng nói.

Theo kế hoạch này, lực lượng không quân sẽ xây dựng kế hoạch sử dụng 4 máy bay (1 CASA-212, 1 AN26, 2 trực thăng Mi-171) bay tìm kiếm tại khu vực phía bên phải và 3 máy bay (1 DHC6 của Hải quân, 1 trực thăng Mi-171, 1 CASA) bay khu vực phía bên trái của đường bay L637 (đường bay của chiếc MH370) theo hướng Kuala Lumpur - Bắc Kinh.

Trên tinh thần triển khai là các máy bay sẽ nuối đuôi nhau chứ không ồ ạt cùng cất cánh để tránh giai đoạn không có máy bay.

Còn trên biển sử dụng 8 tàu di chuyển về các vị trí phân công để kết hợp tìm kiếm và phối hợp nắm tình hình hoạt động của các lực lượng nước ngoài.

Đặc biệt, từ hôm nay 12-3 còn có thêm tàu nghiên cứu biển HQ 888 Trần Đại Nghĩa. Chiếc tàu được trang bị rất nhiều thiết bị chuyên dụng cho hoạt động khảo sát đại dương với hệ thống thiết bị đo sâu hồi âm đa tia, thiết bị quét biển Side Scan Sonar, thiết bị đo từ trường, trọng lực biển; các thiết bị khảo sát hải dương như: đo dòng chảy, độ mặn, nhiệt độ nước biển, vận tốc truyền âm trong nước...

"Hiện nay, tàu này là tàu hiện đại nhất Đông Nam Á" - Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết.

Con tàu này đang được di chuyển về phía Mũi Cà Mau để vào khu vực tìm kiếm theo đường bay dự kiến của máy bay mất tích.

 

Tàu HQ 888 Trần Đại Nghĩa vào cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích

Tàu HQ 888 Trần Đại Nghĩa vào cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích

 

Về thông tin tìm thấy tín hiệu máy bay MH370 mất tích ở eo biển Malacca, Tướng Tuấn khẳng định theo kênh chính thức từ tùy viên quân sự của Malaysia thì thông tin trên không chính thức, không được Malaysia xác nhận. Hiện thông tin này vẫn đang được xác minh.

Trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về việc trưa 11-3 phát hiện một “vật thể lạ” trên vùng biển tìm kiếm, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho hay các phương tiện có hạn chế như máy bay thì có thể quan sát song không trục vớt được, tàu trục vớt được thì lại đi chậm trong khi hải lưu liên tục thay đổi.

Đến khi phương tiện thuỷ phi cơ tìm đến khu vực này thì vật thể lạ đã không thấy ở vị trí máy bay phát hiện. Tuy nhiên, theo phân tích thì vật thể này không có cơ sở liên quan đến chiếc máy bay mất tích.

8 giờ 15: Trong cuộc họp báo tại Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Phú Quốc, ông Phạm Văn Long, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay miền Nam, cho biết: “Thừa quyền của Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia, tôi thông báo trong ngày hôm nay tạm dừng các hoạt động tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích trên biển, trên không. Khi có động thái tiếp theo, chúng tôi sẽ thông báo đến báo chí”.

Trước đó, bản tin của hãng thông tấn Reuters đưa tin quân đội Malaysia phát hiện dấu vết của máy bay MH370 của Malaysia ở eo biển Malacca. Về việc này, ông Long cho biết chưa có thông tin chính thức từ Malaysia.

Tuy nhiên, khi báo chí giải tán thì 5 phút sau, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu xuất hiện. Ông Tiêu thông báo: “Trong ngày hôm nay, chúng tôi chưa dừng hẳn hoạt động tìm kiếm mà vẫn triển khai nhưng hạn chế số lượng máy bay và tàu. Mọi lực lượng vẫn trong tình trạng sẵn sàng, đợi lệnh là ra biển ngay. Chúng tôi đã yêu cầu nhà chức trách Malaysia cho ý kiến liên quan đến thông tin máy bay Malaysia chuyển hướng nhưng phía Malaysia vẫn chưa có thông tin chính thức. Từ tối hôm qua (11-3) đến nay, thông tin về chiếc máy bay chuyển hướng đến Malacca rồi rơi tại đó, truyền thông quốc tế thông tin dồn dập nhưng phía bạn vẫn không trả lời”.

Theo ông Tiêu, sau khi xuất hiện những thông tin trên một số hãng thông tấn cho rằng chuyến bay số hiệu MH370 phát tín hiệu lần cuối ở vùng eo biển Malacca, Cục hàng không Việt Nam đã yêu cầu Malaysia trả lời thông tin và có những xác nhận chính thức để định hướng cho cuộc tìm kiếm.

 

Ông Phạm Văn Long tại cuộc họp báo bắt đầu lúc 8 giờ 15 phút - Ảnh: Ca Linh
Ông Phạm Văn Long tại cuộc họp báo bắt đầu lúc 8 giờ 15 phút - Ảnh: Ca Linh

 

Ông Tiêu khẳng định: “Chúng tôi không dừng hẳn mà chỉ tạm dừng và thu gọn một số hoạt động tìm kiếm để chờ thông tin”. Một số chuyến bay và chuyến tàu vẫn sẽ triển khai nhiệm vụ tìm kiếm tuy nhiên quy mô tìm kiếm tổng lực như những ngày qua sẽ phải chờ thông tin tiếp theo.

Sở chỉ huy tại chỗ ở Phú Quốc do Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu làm chỉ huy mới chỉ có một cuộc làm việc với tuỳ viên quân sự Malaysia ở Việt Nam. Tuy nhiên các thông tin được cung cấp cũng là quá ít và không đủ để định hướng cho hoạt động tìm kiếm của Việt Nam.

Dù vậy, ông Tiêu khẳng định: “Cuộc tìm kiếm này không hề vô ích vì đến lúc này tất cả các lực lượng tìm kiếm vẫn chưa có được thông tin tích cực nào”.

Trong khi đó, theo đại tá Võ Hà Trung, trưởng phòng Tìm kiếm-cứu nạn thuộc Văn phòng Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn quốc gia, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam vẫn đang được đặt trong chế độ sẵn sàng. Sở chỉ huy tại chỗ tại Phú Quốc vẫn hoạt động và nhận lệnh trực tiếp tử Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn ở Hà Nội.

6 giờ: Tin từ Trung tâm Chỉ huy chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370 mất tích tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết Việt Nam đã có được sự xác nhận từ phía Malaysia về thông tin tìm thấy dấu vết máy bay mất tích ở eo biển Malacca.

Malaysia cho biết họ đang xác minh, kiểm tra và đó chỉ là tin đồn.

Tối qua (11-3) Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng lên tiếng xác nhận chưa có cơ quan nào thông báo chính thức cho Việt Nam và cần phải cảnh giác trước những thông tin có thể gây nhiễu loạn.

Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 11-3, Tùy viên quân sự Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội đã đến Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn song cũng khồng hề đề cập gì tới vấn đề này. Phía Malaysia cũng không thông báo gì cho Việt Nam.

Sáng nay 12-3, trong Trung tâm Chỉ huy chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, không khí làm việc vẫn rất nghiêm túc, khẩn trương. Theo chỉ đạo của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - dù chiến lược tìm kiếm chuyển sang dài hơi song vẫn phải hoạt động 24/24 giờ.

 

Thông tin liên tục được cập nhật

Thông tin liên tục được cập nhật tại Trung tâm chỉ huy đặt tại Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn - Ảnh: Nguyễn Quyết

 

Các chuyên gia của Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vẫn đang liên tục cập nhật thông tin trên mạng cũng như thông tin từ các nơi đổ về phục vụ cho công việc điều hành tìm kiếm, cứu nạn. “Vật thể lạ” được máy bay chụp trưa 11-3 từ trên máy bay tuần thám CASA-212 cũng chưa xác định được.

Theo thông tin từ Trung tâm Chỉ huy, trong đêm 11-3, các tàu tiếp tục di chuyển về các vị trí tìm kiếm mới, tập trung ở khu vực đường bay dự kiến của chiếc máy bay mất tích.

Theo kế hoạch, trên biển hôm nay (12-3) sẽ sử dụng 8 tàu di chuyển về các vị trí phân công để kết hợp tìm kiếm và phối hợp nắm tình hình hoạt động của các lực lượng nước ngoài.

Lực lượng không quân sẽ sử dụng 4 máy bay (1 CASA-212, 1 AN26, 2 trực thăng Mi-171) bay tìm kiếm tại khu vực phía bên phải và 3 máy bay (1 DHC6 của Hải quân, 1 trực thăng Mi-171, 1 CASA-212) bay khu vực phía bên trái của đường bay L637 (đường bay của chiếc MH370) theo hướng Kuala Lampur - Bắc Kinh.

Trên biển, lực lượng quân đội tại chỗ sẽ tìm kiếm trên bộ dọc 2 bên đường bay đi qua Hòn Khoai (Cà Mau) đến TP HCM và kéo rộng theo đường bay ở 2 bên liên quan đến các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Người Lao Động Online tiếp tục cập nhật...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo