Những con số báo cáo về số điểm ngập giảm được của đơn vị chống ngập qua từng năm đã quá lạc lõng so với hình ảnh người dân phải lội nước về nhà sau giờ tan tầm. Lời giải thích của các cấp quản lý cho tình trạng này như thiếu vốn, dự án đang thi công, dân xả rác làm nghẹt cống, thậm chí do biến đổi khí hậu... cũng không còn đủ sức thuyết phục .
Một lý giải mới đây thường xuất hiện khi ngập là “mưa lớn vượt tần suất thiết kế”. Tần suất thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật ít ra cũng vài ba năm nhưng sao cứ vài ngày là vượt? Không lẽ biến đổi khí hậu toàn cầu xảy ra ở Việt Nam nhanh bất thường đến vậy? Thật ra đây chính là lỗi của tư vấn thiết kế và chủ đầu tư khi đã không khảo sát thủy văn đúng tần suất quy định, cứ dựa trên số liệu mưa đã lạc hậu để đưa vào thiết kế khẩu độ cống dẫn đến thi công cống quá nhỏ không bảo đảm yêu cầu thoát nước.
Một nguyên nhân nữa cũng không nghe các đơn vị quản lý và chủ đầu tư đề cập đó là đường cống không được lắp đặt đúng cao độ và độ dốc do sai sót trong công tác khảo sát đo đạc, do kênh mương đã bồi lắp, do chất lượng thi công, thậm chí do các khu đô thị tập trung bị lún. Từ đó đường cống trở thành ống chứa nước chứ không phải thoát nước và có xu hướng chảy ngược.
Từ những nguyên nhân trên có thể thấy ngập càng lúc càng bất trị tại TP HCM là do con người chứ không phải do trời. Để trị tận gốc, trước hết, các đơn vị quản lý nên có khảo sát đánh giá chi tiết năng lực thoát nước của từng hệ thống thoát nước khi đang mưa và sau mỗi cơn mưa lớn, từ đó phân loại cụ thể các nguyên nhân gây ngập. Khắc phục nhanh những điểm ngập đơn giản do nghẹt cống, do thi công không dẫn dòng… và đưa ra các giải pháp công trình như hồ điều tiết, trạm bơm cho vùng trũng thấp có hệ thống cống không phát huy tác dụng theo dự tính.
Với các dự án thoát nước sắp hoặc đang thi công dở dang, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP HCM và các chủ đầu tư cần tập trung thẩm định lại số liệu về mưa, địa hình, mực nước thủy văn theo xu hướng tăng mức độ an toàn. Chú ý khâu nghiệm thu chất lượng thi công trước khi lấp đất trên cống và tiếp tục theo dõi khả năng thoát nước thực tế trong giai đoạn bảo hành, thậm chí sau khi đưa công trình vào sử dụng ổn định.
Bộ Xây dựng nên gấp rút sửa đổi bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật thoát nước đô thị, hướng dẫn khảo sát tính toán thủy văn một cách khoa học hơn, bắt buộc phân tích rủi ro trong các dự án thoát nước đô thị theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, bộ cần có kế hoạch giúp các địa phương đánh giá chính xác vấn đề lún do quá trình đô thị hóa và kiểm định lại hệ thống lưới khống chế đo đạc độ cao và tọa độ quốc gia.
Bình luận (0)