Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc ông Vũ Huy Hoàng dù đã về hưu nhưng vẫn bị cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương?
- Ông Vũ Quốc Hùng: Điều này là đúng. Dù anh nghỉ hưu nhưng có những sai phạm thì các tổ chức quản lý đều phải có trách nhiệm tiếp tục xem xét. Tôi cho rằng cách chức một người đã nghỉ hưu cho thấy Đảng rất nghiêm minh đối với những sai phạm của đảng viên, chứ không phải cứ về hưu là “hạ cánh an toàn”.
Với những vi phạm, khuyết điểm của ông Vũ Huy Hoàng đã được kết luận cụ thể thì các bước xử lý tiếp theo được thực hiện như thế nào?
- Theo chỉ đạo của Ban Bí thư thì Chính phủ, Quốc hội vẫn phải tiếp tục việc này. Nếu bị cách chức bộ trưởng thì còn có một loạt vấn đề liên quan vì không phải là bộ trưởng nữa thì chế độ, chính sách được hưởng sẽ khác. Vì là cán bộ nhà nước nên tiếp theo, các cơ quan hành pháp, tư pháp phải vào cuộc để xem xét những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng theo đúng quy định pháp luật.
Ông Vũ Huy Hoàng đã về hưu thì liệu việc xử lý có gặp khó khăn không?
- Theo tôi, không có khó khăn trong xử lý. Chỉ cần các cơ quan chức năng công tâm trong đánh giá và không vì một sức ép nào. Nếu có thể có những quy định chưa đầy đủ đối với việc xử lý cán bộ đã về hưu thì từ thực tiễn này phải bổ sung. Các cơ quan chức năng cần thảo luận để xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng sai phạm. Nếu cần, có thể đưa ra Quốc hội xin ý kiến.
Việc cách chức khi về hưu, có dư luận cho rằng mang tính hình thức?
- Tiền lệ chưa nhiều nhưng đừng nghĩ việc này là hình thức. Đây là sự nghiêm minh trong đánh giá nhân cách và tư cách của đảng viên. Dù không còn chức vụ nữa nhưng danh dự của một đảng viên, một con người còn quan trọng hơn chức tước và lợi lộc. Cho nên, dân gian có câu nói: “Mất tiền là mất ít, mất danh dự là mất nhiều, mất lòng tin là mất tất cả”.
Ông nghĩ gì về việc một cá nhân có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong khi chúng ta có cả một hệ thống chính trị để giám sát?
- Việc này đặt ra cho Đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị phải suy nghĩ. Đây là một bài học sâu sắc về thực hiện nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Về mặt pháp luật, phải có những chế tài, quy định mới để kiềm chế, giới hạn và kiểm soát quyền lực để một khi ai vi phạm thì lập tức phát hiện và xử lý nghiêm minh.
Ông nói việc giám sát về Đảng rất quan trọng nhưng thường người đứng đầu cơ quan lại cũng đứng đầu về mặt Đảng. Vậy, làm thế nào để giám sát hiệu quả?
- Đặt trường hợp cụ thể, ai giám sát ông Vũ Huy Hoàng? Trong thực tế ở các bộ, lãnh đạo vi phạm thì cấp dưới có thể đều biết. Từ thứ trưởng cho tới các lãnh đạo cục, vụ trong một bộ cụ thể có thể biết nhưng vì lý do nào đó, họ không thể nói - do vẫn có tâm lý ngại cấp trên nên không dám nói.
Giám sát trước tiên phải là các cơ quan cấp trên của người đó. Về mặt Đảng có Ủy ban Kiểm tra trung ương; về mặt cán bộ có Ban Tổ chức trung ương; về kinh tế thì có Ban Kinh tế trung ương… Đồng thời Quốc hội, Chính phủ và các bộ liên quan cũng có trách nhiệm trong việc giám sát. Các cơ quan này cần phải tăng cường thực hiện nhiệm vụ của mình.
Như vậy theo ông, hiện nay, những người đứng đầu là các bộ trưởng dường như vẫn chưa nhận thức hết được trách nhiệm của mình?
- Ta cũng có thể tham khảo các nước. Khi xảy ra một sự cố gì đó, bộ trưởng phải đứng ra chịu trách nhiệm. Tới đây, pháp luật có những quy định trách nhiệm công chức, nếu làm không đến nơi đến chốn thì yêu cầu từ chức ngay. Khi luật pháp nghiêm, nếu thấy có những biểu hiện lãnh đạo không có hiệu quả thì yêu cầu từ chức, miễn nhiệm, cách chức để tránh gây hậu quả.
Tổ chức lại cơ chế giám sát
Theo ông Vũ Quốc Hùng, qua vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng, rõ ràng phải tổ chức lại cơ chế giám sát, kiểm điểm lại xem hổng ở đâu. “Trong phòng ngừa, công tác giám sát rất quan trọng. Về hình thức, chúng ta đều có đầy đủ bộ máy nhưng trên thực tế, cũng có bộ máy hoạt động chưa hiệu quả. Nếu các cơ quan trong hệ thống chính trị làm đúng chức năng thì ông Vũ Huy Hoàng và Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương không đến nông nỗi này” - ông nhận xét.
Ông Hùng nhấn mạnh quan trọng nhất là quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và phải có chế tài với người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm.
Bình luận (0)