60% hay 100% sinh viên ra trường có việc làm ngay là việc rất khó để bình xét là tốt hay xấu. 100% có việc làm nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống thì không hẳn đã là tốt.
Số liệu 60% sinh viên ra trường có việc làm sau 3 tháng là do các trường báo cáo sẽ khó tránh khỏi có trường sợ báo cáo thấp thì ảnh hưởng tuyển sinh. Vì vậy, thay vì căn cứ vào số liệu này, chúng ta chỉ cần nhìn vào một thực tế dễ thấy là ngày càng có nhiều sinh viên ra trường rơi vào cảnh thất nghiệp.
Câu hỏi đặt ra là vì sao sau một giai đoạn suy giảm nghiêm trọng, nền kinh tế đã có sự phục hồi (tăng trưởng GDP từ mức thấp 5% (năm 2011) đã đạt 5,98% (năm 2014) và trên 6,2%(quý I/2015), vốn đầu tư toàn xã hội cũng tăng cao - nghĩa là nhu cầu nhân lực chắc chắn phải tăng mà bài toán việc làm lại không tỉ lệ thuận?
Thậm chí, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, dù giai đoạn 2010-2014, số lao động có trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng nhưng số người thất nghiệp còn tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm. Nguyên nhân đang được những người đứng đầu của các bộ liên quan “đổ lỗi” là do kinh tế suy giảm.
Tuy nhiên, một báo cáo mới đây từ Viện Khoa học - Lao động và Xã hội về vấn đề thất nghiệp và việc làm cho thấy chất lượng nguồn nhân lực của nước ta cải thiện chậm. Tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 38,6% năm 2010 chỉ lên 49% năm 2014, kèm theo đó là tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ khá thấp (18,39% vào năm 2014); tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng chậm (từ 3,8% năm 2010 và chỉ đạt 4,91% vào năm 2014). Đáng chú ý, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2014 chỉ đạt 4,9%, giảm so với năm 2013.
Vậy là rõ, dù số sinh viên tốt nghiệp đang ngày một nhiều hơn nhưng lại không hẳn là điều xã hội mong đợi. Các doanh nghiệp lại càng không vì khi kinh tế hồi phục, họ cần mở rộng quy mô sản xuất thì lại cần nhiều lao động có kỹ thuật. Sinh viên rất nhiều nhưng nhu cầu doanh nghiệp không cần thì họ tuyển để làm gì?
Đó cũng là lý do vì sao một trường mới như ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) mà tỉ lệ sinh viên có việc làm là 96%. Tỉ lệ tương tự cũng được ghi nhận ở những trường đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật.
Không chỉ cần nhân lực kỹ thuật, nhân lực các ngành khoa học xã hội cũng rất cần cho sự phát triển nhưng tùy vào giai đoạn. Vì vậy, xã hội cần những chiến lược về nguồn nhân lực. Nếu không dự báo được nhu cầu mà cứ đào tạo tràn lan thì không thất nghiệp mới lạ.
Bình luận (0)