Dân sống trong vùng ảnh hưởng của thủy điện Sông Tranh 2 hoảng loạn
sau trận động đất đêm 22-10. Ảnh: THÚY PHƯƠNG
Ngày 24-10, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam Lê Văn Lai đã bày tỏ lo ngại về trận động đất mạnh 4,6 độ Richter xảy ra tối 22-10 tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My - Quảng Nam.
Tính mạng người dân là trên hết
Ông Lai cho rằng để giải quyết vấn đề của thủy điện Sông Tranh 2 hiện nay, cần dẹp bỏ những e ngại về khoản đầu tư cho thủy điện này là 5.000 -6.000 tỉ đồng nhằm nghiên cứu làm rõ sự an toàn thực sự. “Trách nhiệm cá nhân, uy tín của ai đó đối với việc xây dựng dự án này cũng cần dẹp bỏ bởi tính mạng cả ngàn người dân là lớn nhất. Ở nước ngoài, nhà khoa học dự báo động đất sai phải ở tù, đối với thủy điện Sông Tranh 2 có ai dám đứng ra tuyên bố điều này không?” - ông Lai thẳng thắn.
Theo ông Lai, hiện nhiều cơ quan, nhà khoa học tuyên bố trước mắt thủy điện không có vấn đề gì là không thể chấp nhận, vì không có chuyện “trước mắt” ở đây mà phải là vĩnh viễn, là tuyệt đối an toàn bởi đây là tính mạng của nhiều người, nhiều cộng đồng người. “Tốt nhất là Chính phủ chọn cơ quan đánh giá độc lập, khách quan nhất, không dính dáng đến chủ đầu tư, thiết kế, thi công, kể cả trong nước, để làm rõ các nguy cơ và đưa ra phán xét cuối cùng về sự an toàn tuyệt đối trong lâu dài.
Không thể nói an toàn trước mắt rồi đẩy sự sợ hãi, lo lắng, đổ cái chết cho con cháu sau này” – ông Lai bày tỏ. Theo ông, lúc này đây, chính quyền muốn lo cho dân một cách tuyệt đối cũng rất khó vì chưa có cơ sở nào để khẳng định.
Chưa hỗ trợ cho dân vì còn chờ kiểm điểm?
Cùng ngày, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết để bảo đảm an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2 trong mùa mưa lũ 2012, EVN đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án (QLDA) thủy điện 3 không tích nước.
Cũng theo vị này, thiết kế được duyệt có cao độ ngưỡng tràn là 161 m. Hiện nay lưu lượng nước về hồ được chảy qua 2 tổ máy và nhà máy đang vận hành mức nước chết (140 m). Ban QLDA thủy điện 3 đã tổ chức 7 khóa học cho 250 người dân để hướng dẫn cách phòng tránh thiên tai và các kiến thức thực tế về công trình; lắp đặt 4 trạm quan trắc trong thân đập ngay khi công trình hoàn thành và hiện đang phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu đầu tư lắp đặt thêm 5 trạm xung quanh hồ, bằng nguồn vốn của EVN.
Trước câu hỏi vì sao đến nay EVN vẫn chưa hỗ trợ cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng của động đất như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đại diện EVN cho biết vẫn đang chờ tỉnh Quảng Nam kiểm đếm để xác định thiệt hại, đề xuất phương án hỗ trợ cụ thể. Hiện Ban QLDA thủy điện 3 đang phối hợp với tỉnh Quảng Nam xác định thiệt hại và xây dựng phương án hỗ trợ cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Dự kiến phương án sẽ hoàn thành vào giữa tháng 11-2012 và sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, EVN sẽ thực hiện ngay việc hỗ trợ cho người dân.
Bình luận (0)