Bất chấp những khẳng định rằng động đất không thể được dự báo trước, một tòa án ở Ý hôm 22-10 đã kết tội ngộ sát đối với 6 nhà khoa học và một cựu quan chức chính phủ vì không đưa ra những dự báo chính xác cho người dân trước khi xảy ra trận động đất làm 308 người thiệt mạng ở thành phố L’Aquila năm 2009.
Giới khoa học chấn động
Ngoài việc nhận bản án 6 năm tù giam, các bị cáo còn bị buộc phải bồi thường tổng cộng 450.000 euro cho gia đình các nạn nhân trận động đất. Dù vậy, những người này khó có thể bị tống giam ngay lập tức do họ vẫn còn cơ hội kháng án.
Cộng đồng khoa học trên thế giới cũng có phản ứng tương tự khi mô tả phiên tòa và bản án nói trên là “không công bằng”, “không thể tin nổi” và “ngớ ngẩn”. Lý do họ đưa ra là khoa học vẫn chưa có cách gì để đưa ra những dự báo đáng tin cậy về động đất. Vì thế, thông tin về phán quyết đã gây chấn động cộng đồng chuyên gia động đất khắp thế giới.
Susan Hough, nhà địa chấn học tại Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, nói với hãng tin AP: “Đây là một ngày buồn cho giới khoa học. Phán quyết ở Ý khiến chúng tôi không khỏi lo lắng”. Tương tự, Seth Stein, một nhà khoa học về trái đất tại Đại học Northwestern - bang Illinois (Mỹ), nhận định: “Phán quyết này thật ngu ngốc và không công bằng. Nó cho thấy một sự hiểu sai cơ bản về những gì khoa học có thể và không thể làm”. Nhiều chuyên gia khác xem các bị cáo như là những vật tế thần và lên án hành động đưa khoa học ra xét xử.
Bản án lịch sử
Sáu nhà khoa học nói trên đã được cử đến L’Aquila để đánh giá tình hình và ông De Bernardinis cho giới truyền thông biết những rung chấn ở đó không gây ra mối đe dọa lớn nào vài ngày trước khi động đất xảy ra. Các công tố viên cáo buộc những người này đã quá thờ ơ trước nguy cơ xảy ra động đất, khiến người dân không được cảnh báo trước để đi sơ tán kịp thời.
Tác động tiêu cực Luật sư biện hộ Filippo Dinacci dự báo rằng phán quyết của tòa án sẽ có tác động tiêu cực đến những quan chức được giao nhiệm vụ bảo vệ người dân trong các thiên tai. Ông lo ngại rằng những quan chức này về sau sẽ không dám làm gì cả do quá lo lắng. Trong khi đó, giới phân tích cảnh báo rằng những bản án nói trên sẽ khiến các chuyên gia khác không còn dám chia sẻ chuyên môn của mình do sợ gặp rắc rối pháp lý. |
Bình luận (0)