Ngày 28-4, tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (TP Đà Nẵng) và Nhóm nghiên cứu giảng dạy môi trường và tài nguyên sinh vật thuộc ĐH Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà.
Cha chung không ai khóc
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra dẫn chứng cho thấy Sơn Trà là một báu vật quý giá không chỉ của Đà Nẵng mà còn là của cả nước, thậm chí là cả thế giới.
PGS-TS Võ Văn Minh, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cho biết Sơn Trà là một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu và là nơi trú ngụ của nhiều sinh vật độc đáo. Trong đó có đến 985 loài thực vật bậc cao có mạch, gần 380 loài thú thuộc nguồn gien quý hiếm cần bảo tồn. Khu vực biển xung quanh bán đảo Sơn Trà có hệ sinh thái đặc biệt với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 72 loài rong biển và 3 loài cỏ biển.
TS Vũ Ngọc Long, Viện Sinh thái học miền Nam, đưa ra thông tin năm 1977, Sơn Trà được bảo vệ theo chế độ rừng cấm với các quy định rất nghiêm ngặt áp dụng cho toàn bộ bán đảo và vùng xung quanh chân núi kéo dài ra 500 m với tổng diện tích là 4.439 ha. Đến cuối năm 2016 thì diện tích Sơn Trà đã bị mất đi 1/4 để phát triển thành khu du lịch quốc gia.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, năm 1992, rừng Sơn Trà được quản lý bởi Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Đến năm 2008, sau đợt rà soát lại diện tích các cánh rừng thì trung tâm này bị xóa sổ. Đến năm 2009 Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn được thành lập, là một trong những đơn vị quản lý Sơn Trà cùng với nhiều cơ quan khác sau đó như Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà). Chính bởi tình trạng có quá nhiều cơ quan quản lý dẫn đến chồng chéo và Sơn Trà rơi vào tình trạng không ai chịu trách nhiệm chính.
Xem xét lại các dự án
Minh chứng cho việc Sơn Trà bị xâm hại, ông Bùi Huy Trí, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch đô thị - Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, đưa ra số liệu hiện Sơn Trà có tổng cộng 18 dự án được cấp phép xây dựng trên tổng diện tích 1.070 ha. Trong số này nhiều dự án đã được thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường và có dự án chưa đủ hồ sơ. Nhiều đại biểu kiến nghị cần xem xét lại các dự án đã được cấp phép ở Sơn Trà để đánh giá lại tổng thể về tác động với môi trường và đa dạng sinh học. Nên cho dừng một số dự án gây ảnh hưởng đến môi trường của Sơn Trà.
Bà Nguyễn Hoàng Phượng, cán bộ Phòng Nghiên cứu chính sách - Trung tâm Con người và Thiên nhiên, kiến nghị cần tăng cường điều tra cơ bản và nghiên cứu cập nhật dữ liệu về thông tin tổng thể ở Sơn Trà để làm cơ sở cho cơ quan quản lý cân nhắc về giá trị của đa dạng sinh học khi phê duyệt các dự án. “Diện tích rừng bị mất có thể trồng thay thế ở nơi khác nhưng không thể chuyển voọc, chuyển hệ sinh thái, chuyển gió bão đi nơi khác được” - bà Phượng bày tỏ.
Còn kiến trúc sư Hoàng Sừ cho rằng việc Sơn Trà bị băm nát không phải do lâm tặc phá rừng mà do các doanh nghiệp được TP Đà Nẵng giao đất, cấp phép đầu tư một cách hợp pháp. TP Đà Nẵng đã cấp phép đầu tư và giao đất rừng cho 14 doanh nghiệp xây dựng các khu du lịch, biệt thự, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp chiếm diện tích hơn 30% khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Bí thư Đà Nẵng: Bảo vệ nguyên vẹn Sơn Trà
Bí thư TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã gửi thư đến hội thảo và bày tỏ sự hoan nghênh, đánh giá cao chủ đề của hội thảo tìm giải pháp bảo vệ nguyên vẹn Sơn Trà. Bức thư có đoạn: “Tôi đề nghị ban tổ chức tổng hợp những ý tưởng hay, những hiến kế tâm huyết, những tham luận có cơ sở khoa học, thiết thực và khả thi gửi lãnh đạo TP Đà Nẵng để nghiên cứu, tiếp thu, cùng với các nhà khoa học và nhân dân TP có giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà”.
Ông Nguyễn Xuân Anh cũng cho rằng hiện nay, Đà Nẵng tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế theo hướng hài hòa, bền vững gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên. Trong đó, Sơn Trà là bán đảo có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và là lá phổi xanh cần được bảo vệ nguyên vẹn.
Bình luận (0)