Tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) ngày 16-6 đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi). Nhiều đại biểu (ĐB) nhìn nhận việc hạn chế hình phạt tử hình nhằm thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của nhà nước nhưng đối với một số tội danh thì phải dùng hình phạt này mới đủ tính răn đe.
Không nên bỏ tử hình với tội phạm trên 70 tuổi
Theo ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận), không nên bỏ tử hình với các tội danh phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống lại loài người, tội phạm chiến tranh. “Bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này là đồng nghĩa với khuyến khích chiến tranh, phá hoại hòa bình; khuyến khích thế lực thù địch tiếp tục chống phá cách mạng, chống lại dân tộc” - ông nhận định.
ĐB Niễn cũng cho rằng không nên bỏ tử hình đối với tội vận chuyển ma túy bởi đây là khâu quan trọng trong hành trình tội ác. Bỏ tử hình với tội danh này đồng nghĩa với việc mở đường mạnh mẽ cho ma túy vô tư xâm nhập Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều ĐB cũng đề nghị không bỏ tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên. “Cơ sở nào khẳng định trên 70 tuổi sẽ không phạm tội nghiêm trọng?” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề và ví dụ - “Một ông trên 70 tuổi tổ chức buôn bán ma túy, gây bao nhiêu đau thương tang tóc thì sao tha được?”.
ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cũng dẫn ra hàng loạt ví dụ về người trên 70 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, như: bị cáo Huỳnh Văn Siêng (72 tuổi, ở Bến Tre) phạm 2 tội hiếp dâm trẻ em và giao cấu với trẻ em; bị cáo Nguyễn Văn Tài (85 tuổi, ở Nam Định) phạm tội giết người, nạn nhân bị giết hại với 43 nhát dao chính là vợ của ông này...
Qua đó, ĐB Dung cho rằng người 70 tuổi trở lên vẫn đủ năng lực để thực hiện hành vi phạm tội, nếu được miễn trừ án tử hình sẽ không đảm bảo nguyên tắc hiến định là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Bỏ tử hình tội tham nhũng, xã hội sẽ loạn
Quy định về không thi hành hình phạt tử hình đối với các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả hành vi phạm tội được nhiều ĐB thảo luận. “Điều này sẽ tạo kẽ hở để tội phạm tham nhũng lợi dụng dùng tiền để đổi mạng. Làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích, dung túng, bao che cho tham nhũng” - ĐB Niễn thẳng thắn.
Theo ĐB Niễn, tham nhũng làm lũng đoạn đất nước, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Nếu bỏ án tử hình với tham nhũng, xã hội tất loạn. “Chúng ta cần tiền, rất nhiều tiền nhưng không vì thế mà đánh mất đi niềm tin của người dân vào cơ quan thực thi pháp luật” - ông nhấn mạnh.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) băn khoăn: “Nếu không bị phát giác thì họ sẽ ung dung sống sang trọng cả đời. Nếu bị phát hiện, họ có tiền nộp cũng mua được mạng sống, làm cho pháp luật méo mó. Ngân sách nhà nước rất cần tiền nhưng không phải cần đến nỗi bất chấp mọi nguy hại”.
Trong khi đó, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) đề nghị đưa tội lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng vào luật để ngăn chặn hành vi gây lãng phí tiền của nhà nước, xã hội như bỏ hoang dự án. Ông Đương cũng ủng hộ dự thảo không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm về tham nhũng nhưng chỉ áp dụng đối với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Về xử lý hình sự đối với pháp nhân được đưa vào dự thảo luật, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, bày tỏ sự ủng hộ. Theo Trung tướng Độ, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện chưa đủ mạnh để xử lý pháp nhân vi phạm. “Dù vi phạm nghiêm trọng như thế nào đi chăng nữa thì mức xử phạt tối đa của Luật Xử lý vi phạm hành chính là 2 tỉ đồng. Mức xử lý này không đủ sức răn đe” - ông nhấn mạnh.
Bình luận (0)