Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt rộng 67.934ha, thuộc hai huyện miền núi Quế Phong và Quỳ Châu - Nghệ An. Đây là khu BTTN có hệ động - thực vật đa dạng, phong phú với nhiều loài đặc hữu, được ghi vào Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới, cần phải bảo vệ nghiêm ngặt. Thế nhưng, hiện trong Khu BTTN Pù Hoạt đã có đến 7 nhà máy thủy điện.
Oằn mình "cõng" thủy điện
Phản đối, vẫn cứ xây
Theo nhiều nhà nghiên cứu, Nghệ An là dải đất hẹp, lại dốc và ngắn nên việc giữ nước, tích nước để xây dựng nhà máy thủy điện cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi khi một nhà máy thủy điện đi vào hoạt động sẽ kéo theo sự thay đổi dòng chảy của cả một con sông, thay đổi môi trường sinh thái dẫn đến nguy cơ phá vỡ sự cân bằng hệ sinh thái rất lớn.
Khi chúng tôi thắc mắc một khu rừng đặc dụng cần được bảo tồn nghiêm ngặt như Pù Hoạt nhưng tại sao cơ quan chức năng lại cấp phép xây dựng quá nhiều dự án thủy điện ở đây, ông Bùi Xuân Hùng, Trưởng Phòng Quản lý điện năng - Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, cho biết: “Trong 7 thủy điện ở Pù Hoạt, tùy vào công suất, cái thì do bộ, tỉnh cấp phép, một số dự án lại được cấp phép từ trước nên tôi cũng không rõ khi thẩm định, người ta có kiểm tra chúng nằm trong khu BTTN hay không. Thủy điện mà xây dựng trong khu BTTN thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Khi có chủ trương xây dựng một số thủy điện ở Pù Hoạt, lo ngại tác động xấu đến môi trường, chúng tôi đã có ý kiến phản đối nhưng không hiểu sao người ta vẫn cấp phép”.
Ông Hồ Sỹ Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, bức xúc: “Trước khi xây dựng thủy điện, theo nguyên tắc, chủ đầu tư phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, nếu bộ cấp phép thì bộ thẩm định, tỉnh cấp thì tỉnh thẩm định. Nhà máy thủy điện xây dựng trong khu BTTN thì ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến hệ sinh học ở đây, phá vỡ sự cân bằng sinh thái”.
Phương án một đằng, làm một nẻo Theo ông Cao Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương, các thủy điện phải xây dựng theo quy hoạch mà các cấp thẩm quyền đã phê duyệt, theo phương án đánh giá tác động môi trường đã được thẩm định. Tuy nhiên, nhiều thủy điện khi đưa vào sử dụng lại gây tác hại đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân. Phải chăng các thủy điện lập phương án một đằng nhưng lại thực hiện một nẻo?
“Đây là vấn đề nhức nhối hiện nay. Thực tế, có nhiều thủy điện không vận hành dòng chảy đúng như phương án đề ra, có thể do nguyên nhân khách quan như khô hạn, không đủ nước nhưng có nhiều nơi cố tình không thực hiện theo cam kết. Vì vậy, cần phải tăng cường vai trò quản lý của địa phương đối với các thủy điện”- ông Dũng nhấn mạnh.
H.Dũng |
Bình luận (0)