Trong vụ sập đường dẫn cầu Cần Thơ ngày 26-9-2007, xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) là nơi chịu nhiều đau thương nhất.
Sau những nỗi đau
Ông Nguyễn Hữu Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, cho biết nhờ làm ăn chí thú, cộng với tiền hỗ trợ, cuộc sống gia đình của các nạn nhân trong thảm họa tại công trình cầu Cần Thơ giờ đã khá hơn trước.
Nhớ con, bà Hường vẫn giữ lại căn nhà mà con mình đã sống trước khi tử nạn tại công trình cầu Cần Thơ
Tuy cách trung tâm huyện Bình Minh và TP Cần Thơ không xa mấy nhưng xã Mỹ Hòa heo hút đến giật mình. Nếu không có chiếc cầu Cần Thơ sừng sững, vắt ngang trên cao con đường làng, khó mà định vị được đường đến Mỹ Hòa vì đây là lần đầu tiên tôi đến nơi này với mục đích viết lên khúc tưởng niệm dành cho những người con Mỹ Hòa đã bỏ mình vì chính cây cầu của quê hương.
“Thật xót xa khi phải nói rằng tai nạn tại cầu Cần Thơ đã làm cho xóm này cũng như nhiều gia đình ở đây được nhiều người biết đến. Nhưng đúng là như vậy bởi từ sau khi các con tôi tử nạn, nhà luôn có khách đến thăm và chia sẻ”.
Mấy câu chào khách của bà Lê Thị Dung, mẹ của hai nạn nhân Lưu Tấn Mãi và Lưu Thanh Điền, làm tôi bất ngờ. Bây giờ, căn nhà lá của bà Dung không còn nữa, nó đã được thay bằng một ngôi nhà xây bằng gạch rộng gần 200 m2, có tường rào bao quanh. Bên cạnh phòng khách là nơi thờ hai người con trai của bà.
Bà Dung cho biết sau tai nạn, nhà bà được hỗ trợ trực tiếp hơn 400 triệu đồng, đã trả nợ và xây được nhà. Hiện nay, gia đình bà sống từ tiền lãi của sổ tiết kiệm 600 triệu đồng. Nhưng trớ trêu thay, khi đời sống kinh tế đã dễ chịu hơn, nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai thì chồng của bà lại bỏ đi theo người đàn bà khác.
Cách nhà bà Dung vài trăm mét, bà Nguyễn Thị Hường ôm đứa cháu nội ngồi trước hiên nhà nhìn ra con đường vắng. Cháu là Nguyễn Thị Kim Mỹ, con của anh Nguyễn Văn Hoàng đã mất trong vụ sập đường dẫn cầu Cần Thơ. Đã 10 tuổi nhưng Mỹ mới học lớp 1.
“Vợ thằng Hoàng bỏ đi từ lúc Mỹ mới biết ngồi. Từ khi cha của Mỹ mất, không thấy mẹ nó về thăm” - bà Hường buồn bã nói. Anh Hoàng mất đi, gia đình này được chương trình “Mái ấm Công đoàn” hỗ trợ, xây cho căn nhà trị giá 30 triệu đồng.
Dù có nhà mới nhưng bà Hường vẫn giữ lại căn nhà ọp ẹp mà cha con anh Hoàng đã sống trước ngày gặp tai nạn. “Giữ nhà cũ lại để thằng Hoàng có chỗ mà về. Hồi đó, trong căn nhà này, giường cũng không có, hai cha con phải lấy ván kê lên gạch làm chỗ ngủ” - bà Hường kể lại.
“Con sẽ ở với cha thật lâu”
Những lúc nhớ cha, Mỹ thường nhờ bà nội dắt ra nhìn cầu Cần Thơ khi hoàng hôn xuống. Gặp ai, cháu cũng khoe: “Cầu này có cha con xây đó!”. Rồi cô bé cười híp mắt như đã quên đi nỗi đau mất cha.
Trong ký ức còn lại về cha là lúc Mỹ mang cơm ra công trường mỗi khi cha về muộn. Tôi hỏi cháu sẽ làm gì để tưởng nhớ cha trong ngày khánh thành cầu sắp tới?
Đôi mắt tròn xoe, Mỹ ngước nhìn hồi lâu về phía cầu Cần Thơ vắt ngang trên cao nơi đầu xóm, rồi nói: “Con nghe nói cầu Cần Thơ khánh thành vào thứ bảy. Ngày đó không phải đi học, con sẽ theo bà nội ra ngắm cầu và ở đó với cha thật lâu chú ạ!”.
Bà Lê Thị Dung trước bàn thờ hai con trai của mình
Cầu Cần Thơ sẽ được khánh thành vào ngày 24-4. Hiện nay, những người có thân nhân tử nạn trong thảm họa trên công trình cầu Cần Thơ đã tính đến việc tưởng niệm người thân ngay trong thời khắc ý nghĩa đó.
Chị Nguyễn Thị Bé Sáu, vợ của nạn nhân Nguyễn Văn Tạo, xúc động nói: “Cuộc mưu sinh vất vả khiến đôi lúc tôi quên đi những nỗi đau, mất mát nhưng gần đây, nghe mọi người xôn xao việc cầu Cần Thơ sắp khánh thành thì bao nhiêu kỷ niệm về anh ấy cứ tràn về. Nhiều đêm không ngủ được, tôi ra ngước nhìn cầu Cần Thơ một hồi lâu cho đỡ nhớ chồng. Nghĩ đến việc công trình thế kỷ này hoàn thành có sự đóng góp bằng sinh mạng của chồng mình, nỗi đau trong tôi cũng được nguôi ngoai phần nào”.
Chị Sáu cho biết sẽ đến thật sớm trong ngày khánh thành cầu, ngay vị trí tìm thấy xác anh Tạo để thắp nén nhang tưởng nhớ và cầu nguyện cho anh. Còn chị Nguyễn Kim Tuyến, vợ nạn nhân Nguyễn Văn Hào, thì mang trong lòng hai tâm trạng trái ngược nhau.
Chị nói có lúc thật vui khi nhìn thấy cầu Cần Thơ hoàn thành vì trong đó có bóng dáng của chồng chị đã nằm xuống. Nhưng khi càng gần đến ngày khánh thành cầu thì không hiểu sao chị lại thấy buồn, hình ảnh đau lòng năm nào không thể dứt ra được.
Khác với mọi người, khi cầu được khánh thành, bà Dung sẽ không ra đó để tưởng nhớ hai người con xấu số mà ở nhà nấu mâm cơm với những món mà Mãi và Điền ưa thích, rồi thắp lên nén nhang để các con mình được ấm cúng trong ngày vui chung của mọi người.
Bà Dung tâm sự: “Cứ mỗi lần ngước lên nhìn cầu Cần Thơ là hình ảnh đứa con trai lại hiện về. Đến nỗi, không dám nhìn cầu mỗi khi tôi đi ngang qua đó”.
Qua những tâm sự của các bà, các chị và bé Mỹ, tôi hiểu nỗi đau mất người thân sau thảm họa tại công trình cầu Cần Thơ năm xưa đã được nguôi ngoai phần nào. Không hẳn bởi đời sống vật chất bây giờ đã khá hơn mà ngay chính việc cây cầu này hoàn thành đã xoa dịu đi những nỗi đau vô bờ bến ấy. n
Kỳ tới: Những chuyến phà cuối cùng
Bình luận (0)