Hồi còi dài báo hiệu phà sắp rời bến vang lên. Chuyến phà nửa đêm trực chỉ bờ Bắc sông Hậu. Trong tiếng động cơ xập xình và tiếng sóng lao xao, một hành khất trổi lên khúc tiêu buồn Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến Bắc Cần Thơ.
Một thoáng yên lặng trên chuyến phà thưa thớt khách. Một hành khách chợt thốt lên: “Ngày 24-4 này, cầu Cần Thơ sẽ khánh thành và những chiếc phà này sẽ hoàn thành sứ mệnh đưa rước khách gần một thế kỷ”. Chuyến phà đêm bỗng xáo động bởi những lời bàn tán xôn xao.
Buồn vui lẫn lộn
Chiếc phà trọng tải 200 tấn dường như nặng hơn ngày thường bởi chở đầy tâm tư của những người khách đồng hành. Rồi đây sẽ không còn những chuyến phà qua sông bồng bềnh, không còn nghe tiếng còi phà vang vọng trong đêm và những âm thanh quen thuộc giữa mênh mang sóng nước.
Mọi ánh mắt bất chợt đổ dồn về phía cầu Cần Thơ lung linh huyền ảo như con rồng khổng lồ nằm vắt ngang sông Hậu. Giây phút chạnh buồn trôi nhanh. Mọi người trầm trồ, hồ hởi trước công trình thế kỷ.
Một tài xế xe tải tên Tùng không giấu được nỗi vui mừng: “Cây cầu là mơ ước bấy lâu của cánh tài xế chúng tôi. Có nó, chúng tôi khỏi chịu cảnh lụy phà hàng giờ thì còn gì sướng bằng!”.
Đâu đó dưới ánh đèn lúc mờ lúc tỏ trên phà là ánh mắt đau đáu của những người buôn bán hàng rong. Vì kế sinh nhai, cạnh tranh mua bán, đôi khi họ làm phiền lòng hành khách, thậm chí gây mất an ninh trật tự nhưng không thể phủ nhận chính họ đã góp phần làm cho nhịp sống bến phà thêm sinh động.
Cầu Cần Thơ hoàn thành, việc làm ăn của họ sẽ gặp khó khăn. Ông Lưu Văn Tài, 48 tuổi, từng 20 năm bán hàng rong theo phà Cần Thơ, tâm sự: “Có lẽ sẽ rất buồn nếu phải rời xa cảnh nhộn nhịp của bến phà nhưng tôi cũng vui vì quê mình có một cây cầu hoành tráng, hiện đại, con cái sau này sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn. Mai này mình phải tìm một nghề khác để kiếm tiền nuôi con ăn học, bán hàng rong hoài cũng chẳng khá lên được”.
Thuyền trưởng Ngô Văn Minh không khỏi bâng khuâng khi sắp phải rời xa bến phà mà ông đã gắn bó gần 30 năm nay
Gắn liền với những chuyến phà, ngoài hành khách và CB-CNV bến phà là hàng ngàn người mưu sinh với đủ thứ nghề khác nhau ở đôi bờ. Những ngày này, việc buôn bán ở phà Cần Thơ không còn nhộn nhịp như trước nữa. Nhiều hộ kinh doanh không lấy thêm hàng hóa mà cố bán cho hết những mặt hàng còn lại. Số người bán hàng rong cũng chỉ còn lác đác.
Tiếng còi lại vang lên báo hiệu phà sắp cập bến, cắt ngang những câu chuyện miên man của nhiều hành khách xa lạ đi cùng chuyến phà đêm. Người bạn đồng hành đứng cạnh tôi thở dài: “Không thể phủ nhận vai trò to lớn của bến phà Cần Thơ đối với sự khai phá, phát triển vùng ĐBSCL. Trong gần một thế kỷ qua, đã có biết bao nhiêu chuyến phà cần mẫn, lầm lũi vượt sông bất chấp nắng mưa, khuya sớm. Làm sao đếm được đã có bao nhiêu chuyến xe nặng oằn hàng hóa, bao nhiêu con người, bao nhiêu mối tình đẹp đã đơm hoa kết trái, bao nhiêu lứa đôi đã tiễn đưa nhau ngang qua bến sông này?”.
Chiếc phà vượt hơn 1,8 km qua sông Hậu trong khoảng 15 phút không đủ để hành khách trút vơi tâm sự. Có lẽ đối với nhiều người, đó cũng là chuyến phà kỷ niệm cuối cùng.
Bồn chồn khó tả
Mới đây, khi đưa tôi tham quan bến phà Cần Thơ trong những ngày hoạt động cuối cùng, ông Lê Văn Dương, Đội trưởng Đội vượt sông, phân trần: “Từ ngày khởi công xây dựng cầu Cần Thơ, hơn 300 CB-CNV bến phà đã hình dung được tương lai của mình khi cầu hoàn thành.
Dù vậy, ai cũng vui vì nhiều người không còn phải lụy phà và nhiều chuyến hành trình sẽ được rút ngắn. Thế nhưng, không hiểu sao càng gần đến ngày khánh thành cầu, anh em không giấu được sự tiếc nuối”.
Tâm trạng nhất có lẽ là thuyền trưởng Thạch Son, người từ nhỏ đã theo cha lênh đênh trên những chuyến phà qua sông Hậu rồi đến với nghề lái phà từ rất sớm.
Ông Son cho biết: “Cộng cả 30 năm lái phà của tôi và phần đời lái phà của cha tôi thì cũng xấp xỉ tuổi của bến phà này”. Cha ông là ông Thạch Ri, một người Khmer giỏi tiếng Pháp, làm nghề lái phà tại bến Cần Thơ từ thời Pháp thuộc. Đến giờ, chưa ai biết chính xác bến phà Cần Thơ có từ khi nào nhưng theo nhiều tài liệu thì nó đã tồn tại khoảng 80 - 90 năm.
Về khuya, gió sông Hậu càng thêm lồng lộng. Tôi có dịp đồng hành cùng thuyền trưởng Ngô Văn Minh trên một chuyến phà đêm. Ánh đèn trong cabin soi rõ nét mặt đầy tư lự của vị thuyền trưởng 50 tuổi này.
Ông thổ lộ: “Gần 30 năm lái phà, tôi không nghĩ ngày nào đó mình sẽ rời bến này với một tâm trạng bâng khuâng khó tả như vầy”. Với ngần ấy thời gian gắn bó với bến, với phà, mấy ai khỏi chạnh lòng khi phải vĩnh viễn rời xa nó.
“Không biết rồi tôi sẽ theo chiếc phà này về đâu nhưng chắc là phải xa vợ con một thời gian. Tuổi mình vẫn chưa già, vẫn còn gắn bó với nghề này được” - ông bộc bạch.
Nhiều năm trải nghiệm sông nước với nghề lái phà, thuyền trưởng Minh và các đồng sự của mình đều thuộc nằm lòng quy luật từng con nước, từng điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất.
Vậy mà cách nay khoảng 6 năm, ông và những anh em làm việc ở bến phà phải ngậm ngùi tiễn đưa đồng nghiệp Nguyễn Minh Mẫn bị trượt chân té xuống sông thiệt mạng trong một đêm mưa gió khi lái phà đưa khách qua sông.
Thuyền trưởng Minh bồi hồi nhớ lại: “Anh Mẫn mất vào thời điểm khởi công cầu Cần Thơ. Lúc ấy tôi đã ước gì sớm có được chiếc cầu để thay thế những chuyến phà này. Giờ nó đã thành hiện thực nhưng sao tôi lại thấy bồn chồn khó tả khi biết sắp phải vĩnh viễn rời xa nơi thân thương này”.
Đã bao nhiêu năm gắn bó, những chiếc phà như ngôi nhà thứ hai của họ nhưng chỉ ít ngày nữa thôi, phà Cần Thơ rồi sẽ trở thành hoài niệm...
Bình luận (0)