Chiều 11-2, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra cước vận tải tại 3 khu vực: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đáng chú ý là sau 1 tháng đồng loạt ra quân kiểm tra (tháng 1-2015), chỉ có 1 doanh nghiệp (DN) vi phạm bị lập biên bản xử phạt.
“Chạy kê khai” né giảm cước
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính, cho biết kết quả kiểm tra cho thấy các đơn vị thực hiện đầy đủ niêm yết giá vé đúng hướng dẫn. Hầu hết các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện kê khai với cơ quan chức năng và đưa ra mức giá cước tương đối phù hợp.
Tuy nhiên, vẫn còn một số DN giảm giá cước chưa phù hợp. Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội có 3 hãng taxi (gồm: Công ty TNHH Mạnh Trường Bình, Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài, HTX Vận tải Nội Bài) và 2 DN vận tải hành khách tuyến cố định (Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội, Chi nhánh Công ty TNHH Hoàng Long) mức giảm còn hạn chế, cần phải giảm tiếp.
Tại Đà Nẵng, có 2 DN giảm giá cước còn hạn chế là Công ty CP Xe khách - Dịch vụ - Thương mại Đà Nẵng và Công ty TNHH Vận tải - Dịch vụ Du lịch Hải Vân. Công ty CP Taxi Mai Linh miền Trung có mức giảm giá cước chưa phù hợp với mức giảm giá nhiên liệu và đã cam kết giảm thêm. Riêng Công ty CP Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng chưa có kết quả kiểm tra.
Tại phía Nam, đoàn kiểm tra đã phát hiện HTX Vận tải đường bộ TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) có nhiều vi phạm các quy định về kê khai giảm giá cước. Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính và làm thủ tục gửi cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính.
Kết quả kiểm tra đã cho thấy những con số khá đẹp như trên. Dù vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn xác nhận các đoàn kiểm tra phát hiện có tình trạng “chạy kê khai” để né giảm cước ở các hãng vận tải hành khách liên tỉnh.
“Để xảy ra tình trạng này là do tỉnh A thực hiện kiểm tra kê khai cước chặt chẽ nhưng tỉnh B lại dễ hơn nên các hãng vận tải tìm cách chuyển kê khai. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị rà soát các tỉnh, thành đầu tuyến và có sự phối hợp chặt chẽ để hạn chế tình trạng này” - ông Tuấn nói.
Khó cấm cửa xe vi phạm
Theo công văn mới đây của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, trước ngày 10-2, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô phải hoàn thành việc lập hồ sơ kê khai điều chỉnh giảm giá cước cho phù hợp với giá nhiên liệu. Sau thời điểm này, những đơn vị vi phạm sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt theo quy định, đồng thời bị các bến xe cấm cửa, không cho ra vào.
Thế nhưng, ngày 11-2, tại các bến xe lớn của TP Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát…, vẫn chưa có nhà xe nào bị đình tài hay bị cấm hoạt động vì chưa giảm giá vé. Giải thích lý do, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể đình tài đối với xe nhồi nhét, tranh giành khách, thu giá vé quá quy định trên đường, vi phạm Luật Giao thông. Còn việc giảm giá vé, chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền, nhắc nhở chứ không có quyền xử lý nhà xe. Phải có chỉ đạo bằng văn bản cụ thể của cơ quan có thẩm quyền thì chúng tôi mới làm được”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, nhấn mạnh: “Không thể bảo cấm là cấm. Ai cấm, cấm như thế nào thì phải có văn bản rõ ràng”.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết thời gian qua, TP rất quyết liệt trong việc yêu cầu các DN vận tải của TP tiến hành giảm giá vé cho phù hợp với giá xăng dầu. Hiện nay, trên 90% hãng taxi, đơn vị vận tải liên tỉnh do TP Hà Nội quản lý đã giảm giá cước. Riêng Bến xe Mỹ Đình, trong số 231 DN hoạt động, chỉ có vài chục DN của Hà Nội và hầu hết đã giảm giá vé, còn lại là xe của các tỉnh khác.
Về việc nhiều nhà xe không bị xử phạt, ông Linh giải thích: “Những DN này hoạt động ở các bến xe tại Hà Nội nhưng lại do tỉnh, thành khác quản lý thì Sở GTVT Hà Nội chỉ có thể gửi thông báo đề nghị các địa phương đó phối hợp. TP Hà Nội không có quyền can thiệp, xử lý. Các địa phương khác phải có trách nhiệm cùng Hà Nội làm thì mới xử lý được nhà xe vi phạm”.
Không nên ép giảm giá cước
Tại hội thảo “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2014” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức cùng ngày, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng cách thức quản lý giá xăng và giá cước vận tải hiện nay đang có sự sai lệch, dẫn đến hiện tượng DN vận tải chưa chịu giảm giá cước tương xứng với giá xăng. Thay vì tìm nguyên nhân thực sự vì đâu các DN không chịu giảm cước thì hai Bộ Tài chính và GTVT lại rà soát đăng ký giá rồi thanh tra DN.
Theo ông Cung, việc DN chây ì, chưa chịu giảm cước hoặc có giảm thì rất nhỏ giọt xuất phát từ vấn đề cung cầu. Thị trường kém cạnh tranh, thậm chí không có cạnh tranh, cầu lớn hơn cung, nhất là vào dịp Tết, nên mới dẫn đến tình trạng này. Do đó, thay vì dùng công cụ hành chính là can thiệp về giá, cơ quan nhà nước nên kiểm soát cạnh tranh và độc quyền thông qua Cục Quản lý cạnh tranh, báo chí và các cơ quan khác. Bên cạnh đó, nên tạo hành lang thông thoáng cho DN mới gia nhập thị trường, giúp nguồn cung dồi dào, nhu cầu được đáp ứng thì thị trường sẽ bớt méo mó.
TP HCM: 50 DN chưa kê khai giảm cước
Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết sau đợt kiểm tra cước vận tải của liên Sở Tài chính, GTVT và Cục Thuế TP HCM, trong số 57 DN không giảm giá bị đưa danh sách lên website của bến xe này, đến nay, thêm 8 DN giảm giá cước vận tải với mức từ 5% đến 11%. Như vậy, còn 49 DN chưa kê khai giảm cước. Tại Bến xe Miền Tây, theo ông Trần Văn Phương, phó giám đốc, hiện đã có 129/130 DN kê khai giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm, với mức từ 5% đến 20%. T.Hồng
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!