Đơn cử như trường hợp Hà Nhật Nam (sinh viên sống ở lầu 5, khu B của ký túc xá, ĐH Quốc gia TP HCM), những vết thương do kiến ba khoang cắn xuất hiện đầy trên lưng, cổ, cánh tay, chân của Nam, khi Nam phát hiện đã bôi, uống thuốc nhưng gần 5 ngày nay vẫn không giảm, các vết thương có dấu hiệu lây lan ra các vùng da khác trên cơ thể.
Theo Nam kể, lúc đầu Nam chỉ bị kiến ba khoang đeo trên lưng trong lúc ngủ. Nam nghĩ đó là muỗi hay kiến bình thường nên đã dùng tay đập chết. Vài giờ sau đó, Nam thấy chỗ vùng da bị kiến cắn ngứa ngáy rất khó chịu, liền dùng tay gãi, càng gãi càng thấy ngứa nhiều hơn, vết thương đỏ dần lên xuất hiện rộp da, phỏng da, làm mủ bọc. Do bị nhiều vết rộp da, sưng đỏ, làm mủ bọc gây ngứa ngái trên cơ thể nên việc học tập, sinh hoạt của Nam gặp rất nhiều khó khăn. Ngủ nằm ngửa không được vì cấn các vết mủ gây đau nên phải nằm sấp, lên lớp ngồi học vô tình dựa vào ghế là coi như chỉ biết thét lên vì đau, do phần lưng phỏng rộp.
Sinh viên Hà Nhật Nam đang ngồi thoa thuốc vào vết thương do kiến ba khoang gây ra.
Trên lưng đầy những vết thương do kiến ba khoang để lại
Vết thương sau vài ngày gây mủ trắng
Con kiến ba khoang bò cả lên tập vở
Dù các bạn SV có ngủ mùng nhưng vẫn bị kiến ba khoang tấn công
Gặp kiến ba khoang là các bạn sinh viên rất ghê sợ
Cũng tại khu B, ở tất cả các lầu đều có sinh viên bị kiến ba khoang cắn, thời điểm kiến xuất hiện nhiều nhất là vào ban đêm khi có ánh sáng đèn.
Bạn Nguyễn Thanh Hiệp (sinh viên sống ở lầu 7, khu B của ký túc xá) cũng rơi vào cảnh tương tự như Nam. Kể từ khi bị kiến ba khoang cắn tới nay tròn 4 ngày cũng là 4 ngày trời Hiệp phải nghĩ học vì ngứa, vì đau do vết kiến cắn lâu lan khắp người.
Theo ghi nhận tại ký túc xá khu B, kiến ba khoang xuất mọi nơi trong phòng, trên trần nhà, giường ngủ của sinh viên, thậm chí là kiến ba khoang còn có mặt ở nhà vệ sinh.
Theo thống kê của Trạm y tế Ký túc xá ĐH Quốc gia, trong tháng 9-2015 đã tiếp nhận hơn 500 trường hợp sinh viên bị kiến ba khoang cắn, tăng lên mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Đặc tính của kiến ba khoang là ưa ánh sáng nên khi vào ban đêm các phòng ốc của ký túc xá mở đèn là kiến ba khoang tìm đến. Mặc dù các sinh viên ngủ có mắc mùng nhưng vẫn bị kiến ba khoang cắn. Lượng độc tính của kiến ba khoang rất cao, sinh viên vô tình bị kiến ba khoang đeo vào là dính ngay độc tính của kiến tiết ra gây nhiễm ngứa, rộp, phỏng da và để lại sẹo sau khi lành. Vết thương do kiến ba khoang gây ra rất dễ lây lan ra những vùng da trên cơ thể qua những động tác gãi ngứa hay dùng khăn lau trúng vết thương lau qua những chỗ khác trên cơ thể.
Biết được tác hại đem đến của kiến ba khoang nên khi trời vừa tối là các bạn sinh viên đóng hết các cửa sổ, hạn chế bật đèn trong phòng tránh sự chú ý của kiến ba khoang nhưng tình hình xem ra giảm không đáng kể.
Trước nạn kiến ba khoang hoành hành, bác sĩ Nguyễn Thị Trọng, Trưởng Trạm Y tế Ký túc xá ĐH Quốc gia TP HCM cho biết: “Bên trạm y tế đã có nhiều biện pháp tuyên truyền và hướng dẫn cách khắc phục cho các bạn bị kiến cắn… lãnh đạo của ký túc xá cũng chỉ đạo trạm y tế tăng cường thêm thuốc đặc trị kiến ba khoang. Vào buổi tối khi các em sinh viên đi học về thì y bác sĩ cũng đến những phòng bị kiến cắn hỏi thăm các em hết chưa…”
Bác sĩ Trọng cũng khuyến cáo khi bị kiến ba khoang bám trên da, không nên dùng tay giết kiến mà chỉ thổi kiến đi và khi bị kiến ba khoang cắn thì người bị cắn nên nhanh chóng rửa nước sạch và tìm đến quầy thuốc tây hoặc bệnh viện để được y bác sĩ hướng dẫn cách điều trị, tránh trường hợp lây lan sang các vùng da lân cận.
Bình luận (0)