Ngày 5-1, UBND TP HCM tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Chậm xử lý kiến nghị của dân
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TP HCM, cho biết để tiếp tục nâng cao và xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, UBND TP đã ban hành Quyết định 5157/QĐ-UBND ngày 30-9-2016 quy định về thư xin lỗi trong trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn. Theo đó, tại các sở - ban - ngành, thủ trưởng hoặc cấp phó được ủy quyền phải có trách nhiệm ký thư xin lỗi đối với các hồ sơ trễ hạn. Chủ tịch UBND cấp huyện, xã phải trực tiếp ký thư xin lỗi đối với các hồ sơ trễ hạn tại đơn vị.
Ngoài ra, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức theo hướng công khai, minh bạch, thuận lợi. Công tác xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và mở rộng…
Tuy nhiên, vẫn còn những mặt chưa làm được như: Có 9 sở thực hiện việc cập nhật, công bố công khai thủ tục hành chính chưa đầy đủ, kịp thời theo tiến độ quy định; 9 sở và 5 UBND quận - huyện chưa công khai đầy đủ, đúng quy định, còn niêm yết thủ tục hành chính hết hiệu lực, niêm yết thiếu các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan, đơn vị; 13 sở - ngành, 3 UBND quận - huyện chưa thực hiện hoặc thực hiện báo cáo trễ hạn về tình hình giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; việc áp dụng các thủ tục hành chính liên thông một cửa điện tử tại một số sở - ban - ngành, UBND quận - huyện theo chỉ đạo của UBND TP còn chậm và chưa được quan tâm đúng mức; tỉ lệ phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với quy định hành chính còn cao…
Kiểm tra nơi không có hồ sơ trễ hạn
Sở Tư pháp TP cho biết đến nay, có 34/48 đơn vị gửi báo cáo thực hiện quy định thư xin lỗi khi giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn. Trong 34 đơn vị, có 15 đơn vị không phát sinh hồ sơ trễ hạn, 19 đơn vị còn lại có hồ sơ trễ hạn (15 đơn vị thực hiện tỉ lệ xin lỗi là 100%, 2 đơn vị thực hiện một phần, 4 đơn vị chưa thực hiện xin lỗi).
Trước thông tin 15 đơn vị không có hồ sơ trễ hạn, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP, đề nghị Sở Nội vụ có kế hoạch kiểm tra các đơn vị trên. “Nếu đúng, UBND TP sẽ biểu dương. Tôi nghĩ việc này khó lắm, có thể trễ hạn nhưng các đơn vị đã áp dụng nhiều giải pháp cải tiến, khắc phục nên giảm. Còn không có hồ sơ trễ hạn thì nguy cơ người đứng đầu không kiểm soát được là rất cao” - ông Tuyến nhận định.
Cũng thực hiện quy định về thư xin lỗi, đại diện UBND quận Bình Tân cho biết năm 2016, trên địa bàn đã thực hiện hơn 8.000 thư xin lỗi, tập trung vào lĩnh vực đất đai với hơn 7.000 thư. Theo đại diện quận Bình Tân, nguyên nhân có nhiều thư xin lỗi là thay đổi thẩm quyền trong giải quyết hồ sơ nhà đất; thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị rút ngắn (trước kia là 45 ngày, nay còn 30 ngày); quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do lỗi chủ quan của cán bộ, công chức.
Kết luận hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến đề nghị người đứng đầu đơn vị, cán bộ, công chức toàn TP thực hiện những nội dung: quyết tâm kiên trì xây dựng thành công chính quyền điện tử; vì dân phục vụ; minh bạch, hiện đại; kiên quyết nói không với những biểu hiện tiếp tay, dung túng tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà. Trong năm 2017, phấn đấu đưa vào hoạt động 40% đến 50% các dịch vụ công trực tuyến; toàn bộ TP chấm dứt thư mời bằng giấy; 100% phường - xã, quận - huyện, sở - ngành phải có hệ thống lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp để giải quyết ngay các phản ánh của người dân, doanh nghiệp; mỗi đơn vị phải giảm 50% hồ sơ trễ hạn.
Nâng chất đường dây nóng
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP sẽ nâng chất lượng hoạt động của đường dây nóng để những bức xúc của dân đến với người đứng đầu kịp thời. “UBND TP giao Sở Nội vụ phối hợp với MTTQ giám sát hoạt động của cơ quan công quyền. TP sẽ tổ chức hội nghị để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm công nghệ thông tin. Đẩy mạnh việc tuyên dương người đứng đầu cải cách hành chính. Chuyển sang họp trực tuyến. Nâng cao chất lượng tiếp và giải quyết bức xúc của công dân từ phường - xã, quận - huyện đến sở - ngành. Khuyến khích mở rộng nhiều kênh lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp. “Ví dụ, Báo Người Lao Động thông tin về hội nghị trực tuyến này và dưới bài báo có các comment góp ý thì những đơn vị liên quan phải xử lý ngay” - ông Tuyến nhấn mạnh.
Bình luận (0)