Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết qua thanh - kiểm tra trong những tháng gần đây, cơ quan chức năng vẫn phát hiện các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, các công ty sản xuất vật tư thủy sản sử dụng các hóa chất công nghiệp trộn vào thức ăn chăn nuôi.
Salbutamol tiếp tục hoành hành
Trong tháng 7-2016, cơ quan chức năng đã lấy 350 mẫu thức ăn chăn nuôi và nước tiểu đi thử nghiệm. Kết quả, phát hiện 8 mẫu dương tính với chất cấm salbutamol tại 3 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các tỉnh Bình Dương, Hưng Yên, Bình Định. Đến tháng 8, trong tổng số 312 mẫu thức ăn chăn nuôi và nước tiểu được lấy thử nghiệm, có 1 mẫu dương tính tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở tỉnh Bình Định.
Tình trạng sử dụng salbutamol trong chăn nuôi tái diễn tại một số địa phương như TP HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Định, Bình Dương, Hưng Yên. TP HCM đã tiêu hủy 2 lô heo với 83 con, Vĩnh Long tiêu hủy 2 lô heo với 27 con, Hưng Yên phát hiện đàn heo 30 con tại một trang trại có sử dụng chất cấm salbutamol...
Theo ông Nguyễn Văn Việt, dù vẫn còn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhưng đã hạn chế rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, đáng lưu ý, cơ quan chức năng đã phát hiện một số hộ chăn nuôi sử dụng systeamine - một tiền hormone có tác dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi tương tự như chất salbutamol. Chất systeamine đã bị Liên minh châu Âu cấm sử dụng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, một số nước như Trung Quốc, Philippines, Thái Lan vẫn dùng. Hiện Việt Nam không cấm sử dụng systeamine nhưng cũng không cho phép sử dụng trong chăn nuôi.
Qua thanh tra đột xuất, thanh tra bộ phát hiện Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới (TP HCM) nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi Maxsure và Synergrow có chứa chất systeamine với hàm lượng đậm đặc 3% và một số hành vi vi phạm khác. Thanh tra bộ đã xử phạt vi phạm hành chính công ty này 197 triệu đồng, buộc tiêu hủy các sản phẩm vi phạm theo quy định.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu Cục Chăn nuôi có kết luận chính thức là cho phép hay không cho phép sử dụng chất systeamine trong chăn nuôi. Nếu cho phép, cơ quan chức năng phải hướng dẫn đầy đủ để người dân sử dụng.
Bỏ hóa chất nhuộm vải vào thức ăn chăn nuôi
Ông Việt khẳng định trong suốt thời gian dài, nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã sử dụng hóa chất dùng trong công nghiệp vào thức ăn chăn nuôi. Đó là các loại hóa chất sử dụng trong nhuộm màu công nghiệp như nhuộm màu sợi vải, nhuộm giấy; các loại hóa chất làm sơn, vôi ve quét tường; các loại hóa chất sử dụng trong sản xuất phân bón vô cơ. Đây là các hóa chất dùng rất phổ biến, nhập chủ yếu từ Trung Quốc và bày bán công khai tại các chợ đầu mối hóa chất.
“Việc nhập khẩu, kinh doanh các loại hóa chất công nghiệp không vi phạm do hóa chất này được phép lưu hành, dùng trong công nghiệp. Sai phạm ở đây là người mua dùng sai mục đích” - đại diện Bộ NN-PTNT khẳng định.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, dù trên thùng sản phẩm hóa chất công nghiệp đều khuyến cáo chỉ sử dụng trong công nghiệp, không sử dụng cho thức ăn chăn nuôi và thực phẩm nhưng các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, các công ty sản xuất vật tư thủy sản phần do thiếu hiểu biết, phần vì cố tình mua và sử dụng sai mục đích nhằm trục lợi. Hiện trên thị trường giá 1 kg hóa chất công nghiệp chỉ bằng 1/2 giá hóa chất cùng loại dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi, thậm chí chỉ bằng 1/3.
Qua kiểm tra đột xuất 2 công ty nhập khẩu hóa chất bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; kiểm tra đột xuất 16 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản, cơ quan chức năng đã phát hiện 10 công ty có hành vi vi phạm liên quan tới việc sử dụng các hóa chất công nghiệp trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các hóa chất này chủ yếu dùng sản xuất sơn, dệt nhuộm, công nghệ giấy (trong các hóa chất này còn lẫn nhiều tạp chất nguy hại khác).
“Các hành vi này khá phổ biến, gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng và gây hoang mang dư luận xã hội” - ông Việt cho biết.
Việc sử dụng hóa chất dùng trong công nghiệp vào sản xuất các sản phẩm dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên động vật, sản phẩm động vật. Người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm này sẽ bị tồn dư kim loại nặng trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như: gây các triệu chứng dị ứng, ngộ độc; có thể gây ung thư khi trong cơ thể tích tụ hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép.
Trong năm 2015, đã có nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam bị các nước nhập khẩu trả về vì bị tồn dư kim loại nặng.
Phạt nhẹ hều
Qua thông tin từ lực lượng công an, có những nơi một ngày họ có thể bơm nước vào 500 con gia súc nhưng chế tài xử phạt chỉ 6 triệu đồng.
“Chế tài nhẹ, không giải quyết được vấn đề gì cả, trong khi để phát hiện, xử lý là rất khó, bởi họ làm toàn bộ vào ban đêm” - Thanh tra Bộ NN-PTNT đánh giá.
Bình luận (0)