Ngày 11-7, kỳ họp lần 5 HĐND TPHCM khóa VIII đã khai mạc. Trong ngày, các đại biểu (ĐB) đã nghe UBND TP báo cáo xin ý kiến 8 tờ trình, báo cáo kết quả xử lý nước thải và thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm trên địa bàn TP.
Bức xúc chuyện khó tiếp cận vốn
ĐB Nguyễn Đức Trí bổ sung: Cục Thống kê vừa có cuộc điều tra mẫu hơn 1.000 DN để nắm bắt khó khăn cũng như nguyện vọng của họ thì có đến 62% DN phá sản do thua lỗ, 28,6% phá sản do thiếu vốn, 9,5% phá sản do khó khăn trong đầu tư sản xuất. Riêng số DN tạm ngừng sản xuất thì có 35,5% do thiếu vốn, 32,5% ngừng do chuẩn bị phá sản và 22,6% ngừng để chuyển đổi ngành nghề. Đa số DN được điều tra cho biết phải vay vốn ngân hàng với lãi suất trên 15%/năm, trong đó có 45% DN phải vay vốn kinh doanh. Trong số này, đa số vay ngân hàng với lãi suất trên 19%/năm. Khi được hỏi về mức lãi suất vay có thể chấp nhận được thì 73% DN kiến nghị không quá 14%/năm. Qua đó cho thấy điều DN mong muốn là Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ lãi vay và hỗ trợ vốn cho DN vừa và nhỏ…
ĐB Lâm Thiếu Quân đề xuất UBND TP thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất các ngân hàng để phát hiện tình trạng “phá rào” lãi suất nhằm chấn chỉnh kịp thời. Mặt khác, Chính phủ xem xét cho người lao động giảm đóng tiền bảo hiểm xã hội 50% để giảm gánh nặng cho người lao động, cho DN.
Tập trung hỗ trợ, cứu doanh nghiệp
Báo cáo trong phiên khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết TP đã nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước đạt 288.591 tỉ đồng, tăng 8,1% (cùng kỳ năm trước tăng 9,9%). “Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay đây là mức tăng trưởng hợp lý, điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế của TP bước đầu khởi sắc trở lại” - ông Thuận nhận định.
Báo cáo về kinh tế - xã hội của TP cũng nhấn mạnh một số giải pháp sẽ thực hiện trong 6 tháng cuối năm, trong đó trọng tâm là tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các DN phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; tiếp tục duy trì ổn định hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng bằng cách theo dõi mặt bằng lãi suất trên thị trường, đề xuất Ngân hàng Nhà nước các chính sách điều chỉnh mặt bằng lãi suất hợp lý; bảo đảm hỗ trợ kịp thời, ưu tiên vay vốn cho các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động. “Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của TP năm 2012 đạt 10%” - ông Thuận khẳng định.
Hôm nay, 12-7, kỳ họp tiếp tục phần thảo luận và ĐB cho ý kiến về các tờ trình. Chiều cùng ngày, lãnh đạo UBND TP sẽ trả lời chất vấn.
Số liệu xử lý nước thải “đá” nhau ĐB Trần Trọng Dũng băn khoăn về số liệu xử lý nước thải y tế “đá” nhau. Theo ĐB này, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu xử lý nước thải y tế của TP đạt 95%, con số rất tròn trịa. Thế nhưng, báo cáo trước đó của UBND TP cho thấy con số trên chưa sát thực tế. Cụ thể, TP có 21 bệnh viện khối Trung ương nhưng chỉ có 11 bệnh viện đạt tiêu chuẩn xử lý nước thải, 6 bệnh viện chưa đạt và 4 bệnh viện chưa có hệ thống xử lý. Riêng 31 bệnh viện do TP quản lý cũng có 11 bệnh viện chưa đạt, 23 bệnh viện do quận, huyện quản lý có 10 bệnh viện chưa đạt yêu cầu, riêng 33 bệnh viện tư nhân chỉ có 15 bệnh viện đạt yêu cầu, đó là chưa kể hàng chục phòng khám đa khoa hầu hết đều chưa có hệ thống xử lý nước thải. ĐB Dũng đặt nghi vấn: “Căn cứ vào đâu đưa ra con số 95%, cần phải thẩm tra lại!”. Ông Đặng Quang Mỹ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình - Sở Y tế, giải thích: “95% là con số xác định trên cơ sở tổng lượng nước thải thải ra môi trường. Cái khó hiện nay là quy chuẩn mới về nước thải y tế của Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra năm 2010 quá cao, nhiều cơ sở y tế đầu tư hệ thống xử lý nước thải rồi nhưng không đạt chuẩn này nên phải có thời gian thay thế thiết bị chứ thực tế hầu hết cơ sở y tế tại TPHCM đều có hệ thống xử lý nước thải… Riêng phòng khám đa khoa, trước đây chưa kiểm tra nhưng nay cảnh sát môi trường và Sở Y tế sẽ phối hợp kiểm tra theo quy định”. |
Bình luận (0)