Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ tư Quốc hội (QH) khóa XIII, khai mạc vào sáng nay (22-10). Từ 1.396 ý kiến, kiến nghị gửi tới QH cho thấy có nhiều lo ngại về vấn đề nhóm lợi ích và tội phạm ngân hàng.
Kiến nghị sớm thực thi việc lấy phiếu tín nhiệm
Theo ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhiều cử tri cho rằng công tác quản lý Nhà nước về giá cả thị trường vẫn chưa chặt chẽ, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, gas… liên tục gây khó khăn cho đời sống nhân dân.
Đặc biệt, cử tri lo lắng với biểu hiện của “nhóm lợi ích” cấu kết, trục lợi từ đất đai, dẫn đến nhiều dự án treo, đất để hoang hóa, lãng phí... Trong khi đó, nhiều nơi, việc giải tỏa, đền bù thực hiện chưa tốt, phát sinh tiêu cực, chưa bảo đảm lợi ích của người dân. Trong lĩnh vực ngân hàng, cử tri cũng bày tỏ lo ngại vì tội phạm ngày càng tăng, gây bất ổn trong xã hội.
Cử tri đặt nhiều kỳ vọng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng... có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để sớm chấn chỉnh tới nơi tới chốn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, thiếu trách nhiệm... gây thiệt hại cho đất nước và nhân dân. “Cử tri kiến nghị QH sớm ban hành và thực thi có hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn” - ông Huỳnh Đảm cho biết.
Bất an về tham nhũng, thủy điện
Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cử tri còn đặc biệt lo ngại và bức xúc về các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước được đầu tư lớn về vốn, đất đai, nguồn lực và nhiều ưu đãi khác nhưng kết quả hoạt động chưa tương xứng; nhiều tập đoàn đầu tư ngoài ngành, hiệu quả thấp, lâm vào tình trạng khó khăn, khó thu hồi vốn, thậm chí có tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ để lại nhiều hậu quả nặng nề như Vinashin, Vinalines…
Công tác phòng chống tham nhũng mặc dù có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. “Tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, gây bức xúc và bất bình trong xã hội” - báo cáo nêu rõ.
Trước tình hình này, cử tri kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và các cơ quan thuộc Chính phủ đối với các sai phạm của Vinashin, Vinalines, lĩnh vực tài chính - ngân hàng…
Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri cũng nêu rõ những bất an của nhân dân cả nước đối với chất lượng một số công trình xây dựng kém, trong đó có một số công trình thủy điện, gồm: thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), thủy điện Đakrông 3 (Quảng Trị)... Cử tri kiến nghị QH, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và sớm có những giải pháp xử lý, khắc phục.
Hôm nay, khai mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII Hôm nay, ngày 22-10, kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII chính thức khai mạc và kéo dài đến ngày 23-11 với 26,5 ngày làm việc. Trong ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012... Cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết ban hành quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2013.
T.Dũng |
Minh oan cho 343 người
Theo Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ vừa gửi tới đại biểu QH, trong năm 2012, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp gần 350.000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; 136.783 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Chiếm tỉ lệ lớn nhất (74,7%) trong nội dung khiếu nại vẫn là lĩnh vực đất đai. Chiếm tỉ lệ lớn nhất trong nội dung tố cáo là lĩnh vực hành chính (93,9%), chủ yếu tố cáo cán bộ, công chức cố ý làm trái, chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi, tham nhũng...
Tính đến thời điểm này, các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết gần 60.000 trong hơn 70.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 84,3%. Qua đó, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước gần 100 tỉ đồng, 84 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân hơn 200.000 tỉ đồng, 130 ha đất; minh oan cho 343 người; trả lại quyền lợi cho gần 3.000 người... |
Bình luận (0)