Tình trạng ngập úng và lấn chiếm kênh rạch đã được nêu ra tại hội nghị sơ kết tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2016 do UBND TP tổ chức ngày 29-9.
Rạch Ông Đội, phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM bị lấn chiếm khiến con rạch như cái ao tù Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn TP xảy ra 79 trận mưa, tập trung vào các tháng 5, 6, 7, 8 và gây ngập 38 tuyến đường. Lãnh đạo UBND TP HCM đã đi kiểm tra thực tế tình hình lấn chiếm kênh rạch ở một số địa bàn.
Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP HCM (Trung tâm Chống ngập), từ năm 2014, TP còn 61 vị trí lấn chiếm cửa xả thuộc 21 tuyến đường, đã xử lý được 9 vị trí nhưng phát sinh thêm 7 vị trí mới. Trong số 91 vị trí lấn chiếm hầm ga ở 33 tuyến đường, đã xử lý được 2 vị trí nhưng phát sinh thêm 15 vị trí mới. Đối với 88 tuyến đường có tuyến cống bị lấn chiếm với chiều dài 13,7 km và 398 hầm ga, hiện mới xử lý được 1 vị trí nhưng phát sinh thêm 5 vị trí. Đặc biệt, TP mới xử lý được 2 vị trí lấn chiếm kênh rạch nhưng phát sinh tới 19 điểm lấn chiếm mới, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả thoát nước. Đến giữa tháng 7-2016, TP vẫn còn 59 trường hợp xây dựng lấn chiếm cửa xả, 104 hầm ga và 61 vị trí lòng, hành lang kênh rạch phục vụ thoát nước.
Kênh A41, quận Tân Bình sau khi được nạo vét đã giúp thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất nhanh hơn. Trong trận mưa chiều tối 26-9, dù vũ lượng cao nhưng nước ở đây đã rút sau hơn 1 giờ. Tuy nhiên, kênh này vẫn còn nhiều vị trí bị lấn chiếm rất lớn, nhiều chỗ lòng kênh chỉ còn chưa tới 1 m.
Ở rạch Xuyên Tâm nhánh qua cầu Sơn (quận Bình Thạnh), lòng rạch cũng chỉ còn khoảng 3 m, nước bốc mùi hôi thối. Nhiều nhà dân ở khu vực này đã đổ đất, xà bần lấn chiếm dần khiến lòng kênh ngày càng thu hẹp. Rạch Ông Đội (phường Tân Hưng, quận 7) cũng bị lấn chiếm nặng nề, giờ chỉ như một cái ao tù. Từ cầu Kênh Tẻ nhìn xuống con rạch này chỉ thấy toàn là cỏ xanh, nhiều vị trí bị đổ xà bần làm bãi đậu xe...
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: “Nói gì thì nói, muốn thoát cảnh ngập nước, TP và các quận, huyện phải tốn một khoản kinh phí rất lớn để giải tỏa, di dời các hộ dân lấn chiếm. Rõ ràng, bài học này là rất đắt, chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế để tăng cường quản lý địa bàn”.
Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ngập nước là vấn đề bức xúc rất lớn của người dân hiện nay. TP đã có giải pháp để giảm ngập nước như đối với ngập do triều cường thì sẽ làm cống ngăn triều, cửa xả; ngập do mưa thì khơi thông dòng chảy, nạo vét và duy tu kênh rạch. Qua thực tế kiểm tra kênh rạch, nổi lên vấn đề chủ quan trong quản lý nhà nước để người dân lấn chiếm là nguyên nhân rất quan trọng khi hầu hết các quận - huyện để xảy ra tình trạng người dân chiếm dụng các cống xả, miệng hố ga, ngăn dòng chảy.
“Từ nay về sau, nếu phát hiện việc kênh rạch, cửa xả bị lấn chiếm thì sẽ xem xét trách nhiệm, thậm chí kỷ luật cán bộ liên quan” - ông Khoa nhấn mạnh.
Thông báo ngập nước qua truyền hình
Lãnh đạo TP HCM yêu cầu những ngày tới, Trung tâm Chống ngập TP và các quận huyện cố gắng xử lý rác trên miệng cống thoát nước. Trung tâm Chống ngập phối hợp, chuẩn bị sẵn máy bơm để đề phòng mưa lớn. Để giảm bớt phiền hà cho người dân, Trung tâm Chống ngập phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị Đài Truyền hình TP và các báo đài thông báo kịp thời các điểm ngập nước.
Bình luận (0)