Xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi được xem là “miền đất chết” bởi trong chiến tranh, nơi đây phải hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của bom đạn. Tịnh Thọ và khu Tây Sơn Tịnh nói chung có rất nhiều thương binh, bệnh binh và những người bị tật nguyền bẩm sinh do di chứng chiến tranh để lại.
Sẻ chia mất mát
Chúng tôi đến thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ những ngày đầu đông, trời mưa rả rích. Bên con đường đất bùn lầy dẫn vào thôn là một ngôi trường cũ kỹ, phía trên ghi dòng chữ “Lớp học của Hội Cựu giáo chức khu Tây”. Đây là lớp học đặc biệt, dành riêng cho những nhà giáo thương binh và những học trò bị khuyết tật bẩm sinh.
Lúc chúng tôi đến, lớp vừa bước vào tiết học đầu tiên. Khác với bao lớp học bình thường, ở đây không có sự huyên náo, ồn ào. Thay vào đó là sự im lặng và đôi khi, thầy và trò dùng những hành động, cử chỉ cơ thể để “nói”. Học trò ở đây cũng đặc biệt, gồm nhiều lứa tuổi khác nhau, người nhỏ nhất 10 tuổi, lớn nhất đã… 43 tuổi. Có người ngoài 40 tuổi nhưng vẫn ngờ nghệch như đứa trẻ lên 3. Thấy chúng tôi ghé thăm, cả lớp không ai bảo ai đều đứng dậy vòng tay chào khách…
Thầy giáo đứng lớp Trần Đình Vương cho biết 4 năm trước, nhận thấy ở xã Tịnh Thọ nói riêng và cả khu Tây của huyện Sơn Tịnh nói chung có quá nhiều trẻ em bị khiếm khuyết cơ thể, tật nguyền bẩm sinh, không có cơ hội học hành như bạn bè cùng trang lứa, ông rất trăn trở.
Nhà giáo nay đã 63 tuổi kể: “Để chia sẻ mất mát với các em, những thầy giáo, cô giáo về hưu như chúng tôi quyết tâm thực hiện ý tưởng mở lớp học cho trẻ khuyết tật ở địa phương. Việc dạy học do những giáo chức về hưu đảm trách. Lớp học ở đây cũng trưng dụng lại từ một ngôi trường tiểu học đã xuống cấp”.
Theo thầy Vương, lúc đầu, để mở được lớp học cho những người khuyết tật, những nhà giáo về hưu đã gặp không ít khó khăn, thách thức. “Chúng tôi phải xin phép chính quyền địa phương mở lớp, rồi các thầy cô giáo phải đi đến nhiều thôn, xã có trẻ khuyết tật để vận động gia đình cho con em đi học. Từ khi bắt đầu thực hiện ý tưởng đến lúc hình thành được lớp học đầu tiên phải mất hơn nửa năm. Thời gian đó, chúng tôi lên danh sách và cử người đi động viên phụ huynh để họ chấp nhận đưa con em đến lớp” - thầy Vương nhớ lại.
Sau gần 4 năm hình thành, đến nay, “Lớp học của Hội Cựu giáo chức khu Tây” đã đón nhận 60-70 người khuyết tật tham gia học tập. Hôm chúng tôi đến, lớp có khoảng 15 học sinh. Mỗi tuần, lớp học 3 buổi vào thứ hai, tư và sáu. Hai môn học chính được các thầy cô truyền dạy cho học trò ở đây là toán và tiếng Việt, bên cạnh những kỹ năng sống cần thiết cho người khuyết tật.
Giáo viên đứng lớp có 18 người, tất cả đều là những nhà giáo về hưu. Trong đó, nhiều thầy cô từng một thời tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một phần cơ thể của họ đã mất đi, nằm lại chiến trường. Đến với lớp học đặc biệt này, họ tình nguyện cùng nhau truyền đạt cho học sinh tật nguyền những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết. Vì những học sinh của lớp đều đặc biệt nên mỗi buổi học có ít nhất 2 thầy cô đứng lớp, cầm tay nắn nót từng con chữ cho họ.
Nghị lực phi thường
Thầy giáo Nguyễn Hương, 63 tuổi, cho biết khi lớp mới được mở, nhiều người dân địa phương bảo nhau “lớp học này lạ lắm”. “Lạ là vì cả thầy lẫn trò đều có những khiếm khuyết trên cơ thể. Trò khiếm khuyết, mang trong mình những căn bệnh khác nhau khi mới chào đời; còn thầy khiếm khuyết do thương tích từ thời chiến tranh để lại” - thầy Hương giải thích.
Thầy Hương cũng là một người lính từng tham gia chiến trường ở khu Tây huyện Sơn Tịnh. Chiến tranh đã lấy đi cánh tay phải của thầy mãi mãi. Trở về sau cuộc chiến, thầy Hương theo nghề dạy học cho đến lúc nghỉ hưu. Khi nghe tin lớp học dành cho những người tật nguyền ở Tịnh Thọ được thành lập, thầy lập tức tham gia, tình nguyện đứng lớp dạy những kiến thức, kỹ năng.
Thầy Hương tâm sự: “Đến với lớp học này, tôi thật sự thấy được nghị lực phi thường của những học trò khuyết tật. Nhiều lúc mệt mỏi muốn nghỉ nhưng chứng kiến các em vẫn chăm chỉ, háo hức học hành, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục đứng lớp. Tôi còn thấy được hình ảnh bản thân mình từ các em. Hồi mới đến lớp, các em còn ngờ nghệch lắm, ai nói gì cũng ngớ người ra. Còn bây giờ, các em đỡ rất nhiều rồi, biết đọc, biết viết, biết đứng dậy chào mỗi khi có khách đến”.
Chứng kiến các thầy cô giáo cầm tay bày từng nét chữ cho con mình - người 43 tuổi, lớn nhất lớp - bà Nguyễn Thị Hương hết sức xúc động. “Con tôi vừa sinh ra đã bị bệnh tật hành hạ. Nhà nghèo lại không có tiền chữa trị nên dù đã hơn 40 tuổi, con tôi vẫn ngờ nghệch như một đứa trẻ. Được các thầy cô giáo ở đây cầm tay chỉ dạy, uốn nắn, con tôi đã tiến bộ rất nhiều. Con tôi đã biết đọc, biết viết và không còn khờ khạo như trước đây nữa” - bà cảm kích.
Hết sức thiết thực, ý nghĩa
Theo ông Nguyễn Bá Ngoạt, Chủ tịch UBND xã Tịnh Thọ, “Lớp học của Hội Cựu giáo chức khu Tây” hết sức thiết thực và ý nghĩa đối với nhiều người khuyết tật ở Tịnh Thọ và khu vực phía Tây huyện Sơn Tịnh nói chung.
“Nhờ sự tận tình, hết lòng của các nhà giáo về hưu, nhiều người khuyết tật sau khi đến học ở lớp đã biết viết, biết đọc và xin được việc làm ổn định. Hiện nay, trường lớp đã xuống cấp, việc dạy và học gặp không ít khó khăn. Địa phương đang vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ sửa sang lại trường lớp, bàn ghế… để thầy trò đỡ phần vất vả” - ông Ngoạt cho biết.
Bình luận (0)