Sáng 28-7, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tiến hành bỏ phiếu kín, biểu quyết thông qua các nghị quyết, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Tránh tình trạng ai cũng như ai
Theo kết quả phê chuẩn, Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu, cùng với 5 Phó Thủ tướng (1 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), 17 bộ trưởng và 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Ngay sau khi ra mắt, bên hành lang QH, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có phát ngôn mạnh mẽ liên quan đến vấn đề biển Đông, trong đó có việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần 49 (AMM-49) vừa qua ở Vientiane - Lào, vấn đề biển Đông đã đạt được Tuyên bố chung, khẳng định sự đồng thuận trong ASEAN.
Trong khi đó, gương mặt mới của Chính phủ, tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng một trong những công việc trọng tâm mà ông bắt tay thực hiện là tập trung chấn chỉnh tình hình an toàn thực phẩm đang ở mức đáng báo động như hiện nay. Ông bày tỏ quyết tâm: “Đây là vấn đề nóng hổi và là đòi hỏi của toàn dân. Bằng tất cả các giải pháp tổng hợp, phải giải quyết cho được vấn đề an toàn thực phẩm”.
Các ĐBQH đặt nhiều kỳ vọng vào Chính phủ nhiệm kỳ mới, quyết tâm mà các thành viên của Chính phủ đề ra. ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) gửi gắm: “Chính phủ mạnh bắt buộc các thành viên phải mạnh. Kiến thức, kinh nghiệm quản lý không từ trên trời rơi xuống mà phải có qua quá trình tích lũy. Phải tránh tình trạng ai cũng như ai”.
Ngân sách không thể vo tròn
Chiều cùng ngày, QH đã nghe và thảo luận về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014. Các ĐB đã làm “nóng” nghị trường khi liên tục đưa ra những ý kiến không đồng tình với đánh giá của Chính phủ đối với vấn đề ngân sách.
Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 1.130.609 tỉ đồng và quyết toán chi cân đối NSNN năm 2014 là 1.339.489 tỉ đồng. Tính ra, bội chi 249.362 tỉ đồng, bằng 6,33% GDP thực hiện, tăng 25.362 tỉ đồng so với dự toán đã được QH quyết định.
Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, một số khoản chi của vài địa phương xây dựng dự toán chưa thực sự căn cứ vào nhiệm vụ thực tế, giao dự toán chi đầu tư phát triển không phù hợp... dẫn đến nhiều khoản chi vượt dự toán. Qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm, bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính 19.863,5 tỉ đồng, kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 103 văn bản.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị Chính phủ cho kiểm tra, thanh tra ngay những đơn vị đã được nêu trong báo cáo kiểm toán, vi phạm trong quản lý sử dụng NSNN. Theo ĐB Khánh, nếu không xử lý nghiêm thì sẽ không nâng được hiệu quả quản lý NSNN.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cho rằng nếu cứ đánh giá vo tròn, không nhìn thẳng vào sự thật thì hạn chế trong cách điều hành ngân sách còn xấu hơn trong thời gian tới. Do vậy, bà đề nghị cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, có giải pháp mạnh mẽ hơn sau giám sát và xử lý việc sử dụng NSNN.
Các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021
Theo kết quả được QH phê chuẩn, Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021 có 27 thành viên. Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng 5 phó thủ tướng là các ông Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng.
21 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ gồm: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ; ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Sáng cùng ngày, QH đã phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh bằng hình thức bỏ phiếu kín. Theo đó, với kết quả bỏ phiếu kín đạt tỉ lệ 98,78%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được QH phê chuẩn đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Bình luận (0)