Hồ sơ Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang đã được hoàn thiện và chuyển tới UNESCO để xem xét phê duyệt. Việt Nam đang hướng tới Khu Dự trữ sinh quyển thứ 9 được UNESCO công nhận.
Nhiều giá trị cần bảo tồn
Cao nguyên Lang Biang với vùng lõi là Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà rộng hơn 70 ha là khu vực đứng đầu danh sách ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học cấp quốc gia. Theo hồ sơ đề xuất, giá trị cốt lõi của khu vực này là sự phát triển hài hòa giữa cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa và các hệ sinh thái rừng gắn với văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Khu vực có sự phát triển hài hòa cả về kinh tế, môi trường và xã hội. Đây là vùng cảnh quan đặc biệt của Nam Tây Nguyên gồm nhiều dãy núi cao, các thung lũng gò đồi, sông suối, trong đó có dãy núi Bidoup cao 2.287 m.
Giá trị đa dạng về sinh học tại đây thể hiện ở vùng lõi của khu vực sinh quyển với 127 loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ. Ngoài ra còn có 2.000 loài thực vật, 400 loài động vật có giá trị, trong đó nhiều loại đại diện vùng sinh thái Nam Trường Sơn như thông 2 lá dẹt, thông 5 lá Đà Lạt, chim mi Lang Biang, vượn chà vá chân đen, khướu đầu đen má xám, lan hài… Diện tích của 3 vùng gồm vùng lõi, vùng đệm, vùng chuyển tiếp đủ lớn để thực hiện chức năng bảo tồn và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, khu vực Lang Biang cung cấp các giá trị dịch vụ hệ sinh thái cho nhiều địa phương như Đồng Nai, TP HCM...
Về giá trị kinh tế, Lang Biang đã đóng góp khoảng 80% vào tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu theo chiều sâu ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, 50% nguồn thu nhập người dân có được là từ nhận khoán bảo vệ rừng, bảo tồn… Do đó, hồ sơ này sẽ giúp bảo vệ sự đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa của Tây Nguyên và TP Đà Lạt, góp phần giúp phát triển kinh tế, du lịch, nghiên cứu khoa học, bảo tồn văn hóa cũng như thu hút các chương trình hợp tác quốc tế, phục vụ du lịch chất lượng cao…
Con người gắn kết với thiên nhiên
Theo GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam), giá trị đặc biệt quan trọng ở khu vực này là sự kết nối văn hóa, con người với thiên nhiên. “Một không gian văn hóa cần đến một không gian sinh học xung quanh nên khi nhắc đến văn hóa cồng chiêng là nhắc đến cả quần thể vách núi, tán cây dội lại tiếng cồng, tiếng chiêng. Do đó, hồ sơ đề cử nhằm vào việc bảo tồn sự giao thoa này” - ông Trí phân tích và khẳng định những khu dự trữ sinh quyển thất bại vì tách con người khỏi thiên nhiên, thiên nhiên không được con người bảo tồn.
Đại diện Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà cũng chỉ ra thực tế là sau khi được công nhận khu dự trữ sinh quyển quốc gia, việc nâng cao nhận thức giữa các bên, trong đó có việc nâng cao nhận thức cộng đồng là một thách thức rất lớn. Dưới góc độ vĩ mô, đại diện Vườn Quốc gia Bidoup cho rằng việc quản lý, điều hành khu dự trữ sinh quyển phù hợp giữa mục tiêu bảo tồn - phát triển và cần một kế hoạch hết sức cụ thể. Trong đó, phải gắn được kế hoạch quản lý điều hành với các quy hoạch chung về kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực, bảo đảm ổn định, nâng cao đời sống của người dân. “Làm được điều này mới khẳng định được ý nghĩa của việc đưa Lang Biang thành khu dự trữ sinh quyển” - vị đại diện này khẳng định.
Xem xét hồ sơ từ 6 đến 9 tháng
GS-TS Nguyễn Hoàng Trí cho biết hồ sơ Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang đã được gửi tới UNESCO trước thời hạn dự kiến (ngày 25-9). Theo quan điểm của ông, khả năng Lang Biang được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển khá cao dựa trên những đánh giá như: mức độ cần thiết phải đưa vào diện bảo tồn nằm trong khung cao, mức độ uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực dự trữ sinh quyển hiện nay với thế giới là khá lớn… Dự kiến đại hội đồng cố vấn của UNESCO sẽ xem xét hồ sơ trong ít nhất 6-9 tháng trước khi có phản hồi cho phía Việt Nam.
Bình luận (0)