Ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình viễn thông của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), cho biết theo kế hoạch của hãng Arian Space (Pháp, đối tác thực hiện dịch vụ bắn cả vệ tinh VINASAT 1 và VINASAT 2), ngày 15-5 (khoảng 5 giờ 15 phút, ngày 16-5 theo giờ Việt Nam), vệ tinh VINASAT 2 sẽ được phóng lên quỹ đạo. Tuy nhiên, theo hãng Arian Space, thời điểm phóng vệ tinh có thể thay đổi do lệ thuộc thời tiết.
Dung lượng lớn
Tượng tự như VINASAT 1, VINASAT 2 sẽ khai hỏa từ bãi phóng Kourou ở Guyana (Nam Mỹ). VINASAT 2 được “cõng” bởi tên lửa Arian 5 - loại tên lửa có độ tin cậy cao nhất hiện nay.
Trước đó, cuối năm 2009, Chính phủ đã thông qua chủ trương đầu tư và giao cho VNPT làm chủ đầu tư dự án phóng vệ tinh viễn thông VINASAT 2. Cùng với VINASAT 1, VINASAT 2 tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng; khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số quỹ đạo vệ tinh tại vị trí đã đăng ký 131,8 độ Đông; củng cố an ninh, an toàn cho mạng viễn thông quốc gia, đồng thời đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.
VINASAT 2 và VINASAT 1 sẽ có cùng một trung tâm điều khiển, chỉ bổ sung nhân sự.
Bổ sung kịp thời
Theo VNPT, VINASAT 2 có tổng kinh phí đầu tư khoảng 260 - 280 triệu USD, trong đó dịch vụ phóng vệ tinh chiếm khoảng 215 triệu USD, còn lại là bảo hiểm, tư vấn… Thời gian thu hồi vốn của VINASAT 2 dự kiến tương tự như VINASAT 1 là khoảng 10 - 12 năm.
Ông Lâm Quốc Cường, Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) - đơn vị được VNPT giao quản lý và vận hành VINASAT 2 - cho biết VTI đã hoàn tất kế hoạch tiếp nhận, quản lý và khai thác VINASAT 2 sau khi vệ tinh này được phóng thành công. Một đại diện của VNPT cho biết đến cuối năm 2011, dung lượng của VINASAT 1 đã khai thác đến 90%. Do đó, việc bổ sung VINASAT 2 vào thời điểm này là kịp thời.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), vị trí quỹ đạo của VINASAT 2 có được là một sự thành công khi Việt Nam đăng ký gần như trọn vẹn vị trí quỹ đạo 107, 126, 131,8 và có băng tần KU đủ để phát triển với công suất lớn cùng với vùng phủ tương đối rộng. |
Bình luận (0)