Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) vừa công bố báo cáo đánh giá hiện trạng của các quốc gia về tuân thủ và thực thi các cam kết CITES (Công ước về buôn bán quốc tế những loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).
Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia thực thi đáng lo ngại nhất, với thẻ màu đỏ. Vụ việc đã khiến các nhà khoa học và nhà bảo tồn một lần nữa lên tiếng lo ngại về những bất cập đối với hoạt động bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam, đặc biệt nghiêm trọng là vấn đề lách luật.
Khuyến khích săn trộm
Không quá bi quan với công bố của WWF, GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam, cho rằng việc bảo tồn ĐVHD đang có nhiều điểm sáng vì Nhà nước bắt đầu quan tâm tới lĩnh vực này thông qua nhiều chương trình, kế hoạch bảo tồn và quy định pháp luật.
Tuy nhiên, so với thế giới, Việt Nam đang đi sau nên không thể tránh khỏi những sai sót do thiếu kinh nghiệm. “Nói như vậy không có nghĩa là cứ tiếp tục sai sót mà cần nhanh chóng thay đổi để không xảy ra những trường hợp thương tâm như tê giác Java đã tuyệt chủng năm 2011!” - GS Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.
Hiện nay, 2 quy định pháp luật gây lo ngại nhất đối với các nhà khoa học và các nhà bảo tồn là Nghị định 32/2006 do Chính phủ ban hành về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm và Thông tư 90/2008 do Bộ NN-PTNT ban hành về việc hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi tịch thu.
Thả đồi mồi về Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Điều 9 của Nghị định 32 cho phép kinh doanh, chế biến với mục đích thương mại các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm II B là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước, không còn khả năng cứu hộ, thả lại môi trường. Theo GS Đặng Huy Huỳnh, những quy định này có sự không nhất quán vì pháp luật Việt Nam cấm buôn bán, săn bắn ĐVHD nhưng lại cho chế biến kinh doanh, dẫn đến việc cấm chưa triệt để và không đủ sức răn đe.
Còn Thông tư 90 cho phép bán, chuyển ĐVHD cho các cơ sở bào chế thuốc nếu đã chết và bán cho các cơ sở nuôi động vật hợp pháp nếu còn sống. Đây là một sơ hở vì thuốc cũng là sản phẩm, được bán ra thị trường. Bên cạnh đó, việc phân tích tác dụng của ĐVHD trong việc làm thuốc vẫn chưa rõ ràng. Vì thế, ở một mức độ nào đó, việc cho phép kinh doanh hoặc làm thuốc sẽ kích thích việc săn bắn và tiêu thụ ĐVHD.
Hợp pháp hóa sai phạm
Hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực ngăn chặn các vi phạm liên quan tới ĐVHD, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) - một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam - đã ghi nhận nhiều tang vật tịch thu trong các vụ vi phạm bị bán đấu giá.
Ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc ENV, phân tích: “Những ĐVHD cho phép buôn bán do đã chết, không thể thả về môi trường nhưng lại không quy định rõ chết ở giai đoạn nào là một kẽ hở để lách luật vì có trường hợp cứu hộ xong, khi đưa về trụ sở tạm thời thì suy giảm sức khỏe do sinh cảnh sống không bảo đảm”.
Theo nhận xét của ENV, hầu hết các vụ bán đấu giá ĐVHD đều được tiến hành trong vòng một, hai ngày sau khi bị phát hiện và thu giữ, thậm chí ngay trong đêm. Tê tê là một trong những loài thường bị bán đấu giá nhất. Các cơ quan chức năng cho biết người mua là các trang trại gây nuôi tê tê.
Nhưng trên thực tế, gây nuôi tê tê gần như không đem lại hiệu quả kinh tế bởi đặc tính sinh thái của loài này khiến chúng gần như không có khả năng sinh trưởng trong môi trường nuôi nhốt.
Điều tra của ENV cho thấy có không ít đối tượng núp bóng “trang trại nuôi nhốt tê tê” để tham gia các cuộc bán đấu giá của cơ quan chức năng địa phương, rồi chuyển ra ngoài tiêu thụ.
Ngoài tê tê, hổ cũng là loài ĐVHD bị buôn bán trái phép trên thị trường. Vừa qua, ENV đã tiến hành điều tra 12 cơ sở nuôi nhốt hổ có phép tại Việt Nam và phát hiện 6 cơ sở buôn bán trái phép.
“Nhìn một cách tổng quát, việc bán đấu giá đi ngược lại chức năng ngăn chặn nạn buôn bán ĐVHD của cơ quan thực thi pháp luật vì bán đấu giá dưới hình thức nào cũng là tham gia đường dây tiêu thụ, buôn bán ĐVHD.
Nguy hiểm hơn, việc bán đấu giá của cơ quan chức năng không khác gì hợp thức hóa các sản phẩm phi pháp trên thị trường, gây khó khăn cho quá trình quản lý” - ông Hưng nhận định.
Cần minh bạch việc cấm - cho
Theo ông Trần Việt Hưng, một trong số những lý do được đưa ra là nhiều loài ĐVHD có giá trị kinh tế cao nên bán đấu giá sẽ tăng thêm kinh phí cho ngân sách.
“Nếu muốn tăng ngân sách nên tăng khung hình phạt và xử phạt đối tượng vi phạm nghiêm minh, chứ không nên bán đấu giá. Phải tách bạch rõ ràng hai chức năng bảo vệ ĐVHD và tăng nguồn thu cho ngân sách để bảo đảm quá trình thực thi pháp luật được minh bạch, nghiêm khắc” - ông Hưng nhấn mạnh.
GS Đặng Huy Huỳnh cho rằng đã cấm thì phải thực hiện thật triệt để. Nếu các cơ quan chức năng thấy rằng loài nào số lượng còn nhiều, có tiềm năng khai thác thì phải tiến hành khảo sát về vai trò của chúng với thiên nhiên, trữ lượng…, sau đó công bố giới hạn khai thác.
“Cấm hay cho phải minh bạch chứ không thể vừa cấm vừa hạn chế khai thác, rất dễ cho các đối tượng lợi dụng lách luật!” - GS Huỳnh nói. |
Bình luận (0)