Tình trạng cá nuôi trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chết hàng loạt xảy ra trong nhiều ngày qua khiến nông dân nuôi cá bè tại đây hoang mang tột độ. Đây không phải lần đầu mà liên tục nhiều năm qua, cá chết nổi đầy sông Chà Và làm cho nhiều hộ nuôi tán gia bại sản.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính từ ngày 4 đến 9-8, có 23 hộ dân nuôi cá bè trên sông Chà Và bị thiệt hại do cá chết với số lượng khoảng 90 tấn cá bớp, cá chim, cá mú nuôi bè. Trong 3 ngày qua, cá tiếp tục chết dù không nhiều như những ngày trước đó.
Vào năm 2015, khi nghề nuôi cá lồng bè trên sông bắt đầu rầm rộ, người dân chuyển từ nuôi hàu sang nuôi các loài cá trên. Vậy nhưng, cứ sắp đến kỳ thu hoạch thì cá lũ lượt chết. Trong 3 đợt cá chết vào các năm 2015, 2016, nhiều lồng không còn một con cá. Không biết kêu ai, người dân mang cá chết lên UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để yêu cầu được gặp lãnh đạo, để chính quyền lắng nghe và tìm cách xử lý.
Người dân nuôi cá lồng bè vớt cá chết trên sông Chà Và
Trong đợt cá chết đầu tiên, mất rất nhiều công sức, cơ quan chức năng mới chỉ đích danh "thủ phạm" làm cá chết là nước thải chưa qua xử lý của 14 nhà máy chế biến hải sản. Sau 2 phiên xét xử, tiền đền bù cho 33 hộ nuôi chỉ còn 5,5 tỉ đồng so với tổng thiệt hại 18 tỉ đồng.
Đến năm 2016, trong khi đang giải quyết vụ kiện tụng trên thì hàng chục tấn cá trên sông Chà Và lại chết. Người dân xót xa nhìn hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng, "bốc hơi" mà nguyên nhân cá chết được cơ quan chức năng xác định do mưa nhiều, mật độ nuôi dày đặc, thiếu ôxy…
Nhưng khi chính quyền cho ngừng hoạt động của các nhà máy xả thải và tập trung xử lý hồ chứa nước thải thì ở lần mới nhất này, cá chết nhiều như rạ. Vậy thì do đâu? Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bước đầu xác định nguyên nhân cá chết là do tổng hòa rất nhiều sự cố như: mưa làm giảm độ mặn đột ngột; mật độ nuôi dày đặc; nước thải sinh hoạt và thức ăn cho cá dư thừa nhiều gây ô nhiễm cục bộ; nông dân chưa làm đúng quy trình xử lý khi cá chết…
Cần phải nói rằng vào năm 2006, chỉ có 13 doanh nghiệp với 13 bè nuôi trồng thủy sản tại khu vực này thì đến nay đã lên đến 275 bè với khoảng 8.000 lồng nuôi, trong đó có 99 bè (khoảng 2.697 lồng) nằm ngoài quy hoạch. Số lượng lồng bè tăng nhanh chóng cùng với chất thải phát sinh trong quá trình sinh hoạt đã làm nguồn nước ô nhiễm dẫn đến cá chết.
Sau đợt cá chết mới nhất lên đến 90 tấn vừa rồi, sẽ có nhiều người trắng tay, bỏ bè nhưng cũng sẽ có không ít người lao vào nuôi. Chỉ có sắp xếp, quy hoạch lại hộ nuôi thì mới giúp nông dân tránh vòng luẩn quẩn cá chết.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng đó là việc cấp thiết, sở sẽ phối hợp với cơ quan chức năng sắp xếp, đưa các hộ nuôi vào vùng quy hoạch, giảm 1/2 số lồng bè để sớm ổn định lại nghề nuôi cá trên sông Chà Và.
Bình luận (0)