Theo ông Nguyễn Văn Tấn, chủ cơ sở kinh doanh C12/26 (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh), quán ông bắt đầu khai trương bán cà phê, đồ ăn vào đầu tháng 8-2015. Trong lúc ông đang chờ nhận kết quả làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận kinh doanh thì 5 ngày sau khi khai trương, Công an huyện Bình Chánh đã kiểm tra, lập biên bản với lỗi vi phạm hoạt động mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Chưa đầy 1 tháng sau, dù quán đã ngừng kinh doanh ăn uống và chỉ bán nước giải khát để chờ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, Công an huyện Bình Chánh lại tiếp tục tới kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm và lập biên bản vi phạm.
Từ 2 lần kiểm tra này, Công an huyện Bình Chánh dùng 2 biên bản kiểm tra vi phạm hành chính để “quy tội” ông Nguyễn Văn Tấn tái phạm kinh doanh trái phép. Từ đó, Công an huyện Bình Chánh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Tấn về tội “Kinh doanh trái phép”. Quyết định này đã được VKSND huyện Bình Chánh phê chuẩn.
Chuyện một người mở quán kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ về ăn uống và giải khát như ông Nguyễn Văn Tấn phải đối mặt một vụ án hình sự vì chậm trễ hay thiếu sót trong việc hoàn tất thủ tục kinh doanh khiến dư luận băn khoăn. Bởi lẽ, các cơ quan chức năng đã hình sự hóa một vụ việc thiên về hành chính và chưa xảy ra một hậu quả nghiêm trọng hay đáng tiếc nào.
Nhiều luật sư đã phân tích, chỉ ra một số sai sót trong hoạt động tố tụng, từ việc xử lý vi phạm hành chính cho đến xử lý hình sự, trong vụ việc này. Từ đó cho thấy không thể tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn Tấn.
Bộ Luật Hình sự 2015 - có hiệu lực từ ngày 1-7 tới - đã bỏ tội “Kinh doanh trái phép”, như một chính sách để khuyến khích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Như vậy, chỉ còn chưa đầy 2,5 tháng nữa là tội danh mà ông Nguyễn Văn Tấn đang phải đối mặt sẽ bị bãi bỏ. Vậy Công an huyện Bình Chánh có nên khởi tố một vụ án mà tội danh sắp bị bãi bỏ để tạo điều kiện khuyến khích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế?
Trước đây, từng xảy ra một số vụ việc gây xôn xao dư luận như vụ đổi 100 USD bị niêm phong cả tiệm vàng hay một quán bún bò bị tịch thu biển hiệu vì bảng nội quy bị cho là “phản cảm”. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy hoạt động kinh doanh trong nước hiện gặp rất nhiều khó khăn khi hơn 20.000 doanh nghiệp “chết” trong quý I/2016, hơn 45% doanh nghiệp thua lỗ vào năm 2014…
Doanh nghiệp từng than phiền về hàng loạt thủ tục, giấy phép nhiêu khê rồi phải liên tục đón các đoàn thanh tra, kiểm tra. Nhưng nay, chứng kiến hàng loạt con số biết nói kể trên và vụ việc của ông Nguyễn Văn Tấn, thì họ chỉ có thể than trời: “Làm ăn giờ sao khó quá!”.
Bình luận (0)