TP Đà Nẵng hiện có 2 bảo tàng được nhiều du khách biết tới là Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm. Cả 2 bảo tàng này luôn cố gắng hết sức để trở thành điểm đến cho người dân và du khách.
Gắn bảo tàng với học lịch sử
Bảo tàng Đà Nẵng nằm trong khu di tích quốc gia Thành Điện Hải, không gian trưng bày trên 3.000 m2 với hơn 2.500 tư liệu, hình ảnh, hiện vật mang giá trị lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết công tác đầu tư cho bảo tàng luôn được lãnh đạo TP quan tâm hết mực. Hằng năm, TP đều rót kinh phí đầu tư trang thiết bị, mua sắm hiện vật nhằm phục vụ tốt nhất cho khách tham quan.
Một trong những nguyên nhân thu hút đông khách đến bảo tàng này là nhờ có những bộ sưu tập quý hiếm trên cơ sở kết nối với các nhà sưu tầm. Bên cạnh đó, nhân viên bảo tàng dày công lên tận các vùng miền xa xôi ở Quảng Nam, Đà Nẵng để sưu tầm các vật dụng, đồ quý hiếm của người Cơ Tu, Xê Đăng… “Việc liên kết với các nhà sưu tầm rất có ý nghĩa mà mỗi bảo tàng nên thực hiện nhằm bảo tồn hiện vật, giữ gìn văn hóa, tránh tình trạng chảy máu cổ vật. Thêm vào đó, phải có sự liên kết với cộng đồng. Mình phải đặt ra câu hỏi cộng đồng cần mình làm gì để tự hoàn thiện, phát triển và lôi kéo được khách tham quan” - ông Thiện chia sẻ.
Bảo tàng Đà Nẵng hiện tại là nơi lưu giữ những tư liệu quý về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng còn biết cách làm sống dậy những hiện vật, tư liệu, hình ảnh để truyền cảm ứng cho người xem. Việc khơi gợi lòng yêu nước thông qua triển lãm, trưng bày hiện vật cũng được bảo tàng xem trọng. Có thể thấy rõ điều này khi hiện nay, Bảo tàng Đà Nẵng đi đầu trong việc trưng bày các tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa cũng như mở các lớp học về lịch sử, tuyên truyền chủ quyền biển đảo cho học sinh. Vào mỗi dịp cuối tuần, một lớp học riêng về lịch sử được bảo tàng tổ chức cho học sinh. Nhờ vậy, có gần 12.000 học sinh đã tham gia các lớp học này trong năm 2014. Ông Thiện bày tỏ: “Chúng tôi duy trì thường xuyên các buổi học nhằm giúp các em có kiến thức “sống” về lịch sử. Mỗi khi đến đây, các em rất say sưa tìm hiểu rồi trao đổi, bày tỏ ý kiến, cảm quan của mình”.
Nhờ khéo léo tổ chức hoạt động, gìn giữ và phát huy giá trị hiện vật, tư liệu lịch sử nên Bảo tàng Đà Nẵng lúc nào cũng có đông phụ huynh, học sinh, khách tham quan lui tới. Lượng khách đến tham quan bảo tàng tăng đều mỗi năm. Mở cửa đón khách năm 2011, bảo tàng có 12.145 khách tham quan, đến năm 2012 tăng lên 18.500 người, 2013 là 36.315 người, 2014 là 48.967 người. “Sắp tới, chúng tôi xây dựng 12 chuyên đề về lịch sử địa phương thông qua những hình ảnh sinh động. Phải làm cho bảo tàng như một cuốn sử sống nhằm giáo dục lịch sử cho các em một cách trực quan và sinh động nhất” - ông Thiện nhấn mạnh.
Khai thác thế mạnh riêng
Dù không bề thế nhưng Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm tọa lạc tại đường 2-9 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) luôn là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách. Bình quân mỗi ngày, có đến 500 khách trong và ngoài nước đến tham quan. Lẫn trong số hàng trăm du khách đến bảo tàng vào ngày cuối tuần, anh Nguyễn Văn Vân, một nghiên cứu sinh ở Hà Nội, cho biết anh đang làm luận án về văn hóa Chăm và gần như tìm được tất cả thông tin cần thiết qua hành ngàn hiện vật trưng bày tại đây.
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm, bộc bạch: “Có rất nhiều bảo tàng trên cả nước xây dựng cơ sở hoành tráng nhưng vắng khách vì không chú trọng đến sưu tầm, trưng bày hiện vật. Chúng tôi làm được điều này khi có hơn 3.000 hiện vật quý hiếm về nền văn hóa, nghệ thuật Chăm. Ngay cả ngôi nhà hơn 100 tuổi làm nơi trưng bày với kiến trúc độc đáo cũng là hiện vật vô giá luôn được tôn tạo, giữ gìn”.
Trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, hạn chế đầu tư cho bảo tồn hiện vật nhưng Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm vẫn tự tìm hướng đi riêng cho mình, thông qua tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng, liên kết với các doanh nghiệp du lịch, cơ quan, trường học. Với mỗi năm có gần 200.000 lượt khách đến tham quan (con số mơ ước của nhiều bảo tàng lớn), nguồn thu từ tiền bán vé không chỉ giúp bảo tàng chi trả đầy đủ lương cho cán bộ, nhân viên mà còn tạo thêm nguồn thu cho ngân sách TP.
Theo ông Thắng, sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng là một yếu tố thuận lợi để bảo tàng hoạt động có hiệu quả. TP Đà Nẵng đang xem xét để đầu năm 2016 triển khai đề án cải tạo, trùng tu bảo tàng này.
Phải mang lại giá trị cho cuộc sống
Nói về hoạt động của hệ thống bảo tàng hiện nay, ông Võ Văn Thắng cho rằng không nhất thiết tỉnh nào cũng có bảo tàng na ná nhau, to về cơ sở vật chất mà thiếu hiện vật. Thay vào đó, nên làm bảo tàng chuyên ngành, gắn với những bộ sưu tầm hiện vật riêng biệt mới hấp dẫn người tham quan. Còn theo bà Nguyễn Thị Trinh, Trưởng Phòng Trưng bày - Đối ngoại Bảo tàng Đà Nẵng, phải luôn tìm ra những hiện vật mới thu hút du khách. “Chúng tôi luôn nghiên cứu làm sao để bảo tàng mỗi ngày một hấp dẫn, để những hiện vật văn hóa, lịch sử lưu giữ hằng ngày mang lại giá trị cho cuộc sống” - bà Trinh chia sẻ.
Kỳ tới: Kỳ vọng gì ở bảo tàng 11.000 tỉ đồng?
Bình luận (0)