Chiều 30-3, tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết nhiều vụ học sinh bị “bắt cóc hụt” nổi lên từ đầu năm 2016 đến nay chỉ là sản phẩm của sự bịa đặt. Đáng nói là ngành giáo dục - đào tạo các huyện, thành phố của tỉnh này chưa kiểm chứng thông tin đã vội vã ra văn bản cảnh báo về vấn đề này gây tâm lý hoang mang, bất an trong dư luận.
Trước đó, tại các trường tiểu học ở TP Bảo Lộc, Đà Lạt và huyện Đạ Tẻh xuất hiện nhiều thông tin về việc một số học sinh bị kẻ xấu dụ dỗ, đòi bắt cóc nhưng không thành. Tất cả những vụ việc này đều được phụ huynh báo lại cho nhà trường, nhà trường trình báo lên các Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Sau đó, ngành giáo dục địa phương có tin đồn đã ra văn bản thông báo tới tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn, cảnh báo việc xuất hiện kẻ xấu bắt cóc trẻ em, đề nghị nhà trường, học sinh và phụ huynh nâng cao cảnh giác.
Cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, xác minh những thông tin này qua làm việc với các “nạn nhân” cùng những người có liên quan.
Hai học sinh lớp 5, Trường TH Trần Quốc Toản, huyện Đạ Tẻh khai nhận việc bị bắt cóc là tự các em bịa ra theo trí trưởng tượng. Thông tin các học sinh bị bắt cóc hụt tại Trường TH Phan Như Thạch (Đà Lạt) và Trường TH Nguyễn Trãi (Bảo Lộc) cũng chỉ là tin đồn thất thiệt, không đúng sự thật.
Điều đáng nói, khi Công an huyện Đạ Tẻh có kết luận vụ 2 học sinh Trường TH Trần Quốc Toản bắt cóc hụt chỉ là sản phẩm của sự bịa đặt và đã thông báo tới ngành giáo dục huyện Đạ Tẻh nhưng cơ quan này không ra văn bản đính chính văn bản đã khuyến cáo nạn “bắt cóc trẻ em” trước đó. Thậm chí, đến nay nhiều giáo viên tại các địa phương có tin đồn thất thiệt vẫn nhầm tưởng các vụ “bắt cóc hụt” học sinh trong thời gian qua là có thật.
Bình luận (0)