Bình đẳng nước sạch
“Cuối năm nay, 100% người dân TP phải có nước sạch dùng và chỉ mua với một giá như nhau” - Bí thư Thành ủy TP HCM ra tối hậu thư với tổng giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) vào chiều 19-5
Song song với chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, TP HCM cũng đề ra mục tiêu trong năm 2016, 100% người dân được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, nhiều khu vực dù mạng lưới cấp nước đã được kéo sát nhà dân nhưng nhiều hộ vẫn không được dùng, thậm chí có nơi phải đi “trộm” nước về xài.
Nước tới miệng vẫn khát
Chuyện khó tin nhưng tồn tại suốt 3 năm nay ở TP HCM khi gần 100 hộ dân thuộc ấp 1B, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh phải “trộm” nước sạch mỗi ngày vì không thể sử dụng nguồn nước ngầm đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cách lấy nước của người dân là đục đường ống cái của đơn vị cấp nước rồi cho vào can mang về sử dụng. Thậm chí, nhiều người còn lấy nước tắm trực tiếp ngay bên cạnh đường ống.
Điều đáng nói là dù đường ống cấp nước của TP đã chạy qua khu vực này nhưng các hộ dân nơi đây vẫn không được sử dụng. Anh Đinh Văn Quảng - ngụ tổ 11, ấp 1B - cho biết cứ vào khoảng 6 giờ đến 8 giờ và 16-19 giờ là người dân tập trung tại cây cầu trong khu dân cư này đục ống lấy nước sạch. Các ngày chủ nhật, ít nhất cũng có vài chục người đứng xếp hàng chờ lấy nước.
Qua ghi nhận của phóng viên, nguồn nước ngầm tại khu vực này đã bị ô nhiễm trầm trọng. Tại nhà anh Nguyễn Văn Bảo, chúng tôi chứng kiến nước bơm lên có một lớp váng màu vàng đục, bốc mùi hôi nồng nặc. Dù gia đình anh Bảo đã thử khoan giếng với độ sâu đến 70 m ở nhiều vị trí khác nhau nhưng vẫn không thấy nguồn nước sạch.
“Khi bơm nước từ giếng lên, tôi phải lọc lại 2-3 lần nhưng chỉ giảm được phần nào các chất cặn và độ đục, còn mùi hôi tanh thì vẫn y nguyên. Sau vài ngày, cát, đá ở đáy bể lọc và trong các ống dẫn nước đều chuyển sang màu đỏ quạch. Do quá ô nhiễm, tôi chỉ dám sử dụng nguồn nước này để tưới cây” - anh Bảo nói.
Theo ông Lê Văn Đào, ngụ ấp 1B, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm khiến nhiều người ở khu vực này nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Người dân đã nhiều lần kêu cứu chính quyền địa phương tìm giải pháp gắn đồng hồ nước nhưng suốt 3 năm nay, họ vẫn phải sống trong cảnh “trộm” nước. “Không có nước sạch, chúng tôi buộc phải đục lỗ từ đường ống của TP để lấy nước chứ thực ra chẳng ai muốn” - ông Đào lý giải.
Cùng chung cảnh ngộ, hàng trăm hộ dân trên đường Bùi Công Trừng (đoạn qua ấp 3 và 4, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) nhìn đường ống cấp nước sạch đi qua nhà mình trong sự thèm thuồng vì chưa được đấu nối vào từng nhà. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ ấp 3, cho biết khi đấu nối, công ty cấp nước thông báo nhiều vị trí bị vướng cáp ngầm không thể thực hiện.
“Họ tới đây, nói sẽ nối đường ống vào nhà. Chúng tôi chưa kịp mừng thì họ kêu bị vướng dây cáp ngầm, không kéo vào được. Sau khi lấp đất lại, đơn vị cấp nước không tìm cách khác để kéo nước vào nhà dân mà bỏ mặc đó khiến chúng tôi không biết xoay xở thế nào” - ông Tuấn băn khoăn.
Trong khi đó, hàng ngàn hộ dân ở huyện Củ Chi cũng đang mong có nước sạch để xài. Dù đường ống nước đã kéo đến sát nhà nhưng họ vẫn luôn “khát”.
Gấp rút gỡ vướng
Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết hơn 30% hộ dân trên địa bàn đã được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. Lý giải chung cho tình trạng người dân sử dụng nước sạch hiện vẫn rất thấp dù mạng lưới cấp nước đã được kéo đến, ông Đức cho rằng do nhiều người vẫn còn thói quen dùng nước từ giếng khoan. Đồng thời, việc cấp nước qua đồng hồ tổng cũng gặp khó khăn trong công tác vận động người dân tham gia vì tất cả chi phí lắp đặt từ đồng hồ tổng đến nhà, người dân đều phải chịu.
Đối với những khu vực ngoại thành chưa được cung cấp nước sạch, ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc SAWACO, cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng lưới, gắn đồng hồ nước. Tạm thời, đơn vị sẽ cung cấp nước sạch bằng cách lắp đặt đồng hồ tổng và xe bồn. “Ở những nơi có thể gắn đồng hồ tổng, đơn vị sẽ cấp định mức nước đầy đủ và giảm giá 10% để người dân được sử dụng nước sạch theo đúng giá quy định” - ông Hải khẳng định
Theo SAWACO, nước sạch một giá được hiểu là cùng một đối tượng sử dụng nước phải được tính cùng một mức giá trên địa bàn TP. Việc xây dựng giá nước sạch sạch theo Quyết định 103/2009/QĐ-UBND (về điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn TP) giúp các hộ dân có giá thấp nhất, bảo đảm mọi người được tiếp cận với nước sạch và khuyến khích tiết kiệm nước. Ở định mức đầu tiên, giá nước chỉ bằng 62% giá thành nên các đối tượng khác sẽ phải cao hơn giá thành để bù chéo.
“Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chi trả tiền nước, nhất là các hộ nghèo; hạn chế người giàu, người có nhiều nhà được hưởng giá thấp sẽ sử dụng nước không tiết kiệm. Bên cạnh đó, người dân muốn chuyển định mức nước sang địa chỉ khác cũng được các đơn vị cấp nước thực hiện với thủ đục đơn giản” - ông Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Hải, trong quá trình theo dõi, SAWACO nhận thấy nhiều chủ nhà trọ chưa tích cực đăng ký định mức nước sinh hoạt cho người lao động và sinh viên. Thậm chí, có trường hợp chủ nhà trọ đã được cấp định mức nước nhưng vẫn tính tiền nước cho người ở trọ với giá cao để hưởng lợi từ tiền chênh lệnh.
“Chúng tôi là doanh nghiệp nên không có chức năng xử phạt các trường hợp này, nếu kiểm tra phát hiện cũng không thể cắt nước vì sẽ ảnh hưởng đến chính những người ở trọ” - ông Hải nêu thực trạng. Ông cho rằng để chấn chỉnh tình trạng này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.
Kỳ tới: Nhà ven kênh đã có lời giải
4 giải pháp cấp bách
Để thực hiện chỉ tiêu cấp nước sạch 100% cho các hộ dân theo Nghị quyết 35 của HĐND TP HCM, UBND TP đã giao nhiệm vụ cho SAWACO, Công ty Cổ phần Hạ tầng kỹ thuật nước Sài Gòn (SII), UBND huyện Bình Chánh và UBND huyện Củ Chi.
Theo đó, việc cung cấp nước sạch được thực hiện bằng 4 giải pháp: Phát triển mạng lưới cấp nước; xây dựng và nâng cấp, mở rộng các trạm cấp nước; lắp đặt bồn chứa nước tập trung và lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình.
Bình luận (0)