xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm rõ nợ công

Tô Hà

Các đại biểu Quốc hội tỏ ra bất an với nợ công và cho rằng cần giảm hội họp để tiết kiệm ngân sách. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định “nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn”

Ngày 3-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện ngân sách năm 2010, dự toán ngân sách năm 2011; nghe trình bày dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011.

img
Đại biểu Danh Út: “Cần giảm hội họp để tiết kiệm ngân sách”. Ảnh: MẠNH DUY
 
Tăng thu vì chạy theo thành tích
 
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, nhiều đại biểu (ĐB) QH ghi nhận việc thực hiện công tác ngân sách năm 2010 đã có cố gắng, thể hiện ở kết quả tăng thu 58.600 tỉ đồng và giảm bội chi từ mức dự toán 6,2% xuống 5,9%. Song cũng có ý kiến cho rằng con số tăng thu không phải là thành tích mà thể hiện kỷ luật ngân sách chưa nghiêm.
 
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) tỏ ý nghi ngờ con số 58.600 tỉ vượt thu. “Vinashin 2 năm đã lỗ 2.600 tỉ đồng mà không ai biết. Có hiện tượng địa phương dự toán rất thấp để lấy thành tích thu cao. Cuối năm thu không đạt thì bán đất, mượn các doanh nghiệp để đóng góp vào thuế năm trước bù năm sau lấy thành tích vượt thu” – ông Thuyền nói. Theo ĐB Trịnh Thị Nga (Phú Yên), thu - chi ngân sách còn nhiều sơ hở dẫn đến thất thoát. Cụ thể là chi tiếp khách, chi thưởng lúc quá chặt, lúc quá lỏng. Hiện nay, quy định chi hội nghị, tiếp khách tương đối thoải mái, cần siết lại. Cùng quan điểm này, ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng muốn chữa căn bệnh trầm kha này, cần phải bắt đầu từ giảm hội họp. 
 
Vinashin với món nợ khổng lồ 86.000 tỉ đồng được các ĐB nhắc tới như một bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc cho việc giám sát thu - chi, sử dụng hiệu quả và minh bạch vốn ngân sách. ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nói: “Chúng ta chi nhưng không rõ tiêu kiểu gì. Ít thấy địa phương nào báo cáo ngân sách chi cho rồi thì tiêu thế nào”. Theo ông, đây cũng là lý do khiến nhiều ĐBQH không hiểu Vinashin nợ 86.000 tỉ đồng là mất vốn Nhà nước không, hay còn đó mặt bằng, đất đai.
 
Nợ công tăng từng năm
 

Hôm nay (4-11), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), nghe báo cáo thẩm tra về việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tờ trình Luật Đo lường và Luật Thủ đô.

Sau sự đổ vỡ ở Vinashin với khoản nợ 86.000 tỉ đồng, vấn đề nợ công đã thu hút sự chú ý của nhiều ĐBQH. ĐB Nguyễn Văn Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng nợ công của VN, theo cách tính thông thường của thế giới, đã lên đến 70% chứ không phải 57% GDP như tính toán của Chính phủ. Bởi theo báo cáo giám sát của QH, riêng dư nợ nội địa của các doanh nghiệp Nhà nước năm 2008 đã chiếm 20% GDP.
 
ĐB Thuyết yêu cầu Chính phủ trình bày rõ cơ cấu nợ vì khó có thể yên tâm khi nợ công của VN tăng nhanh trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng và hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) cũng tăng tới gần 2 chữ số. “Điều này vi phạm nguyên tắc cơ bản của nợ công bền vững và như vậy có cơ sở để lo lắng rằng GDP càng tăng thì nợ càng tăng, khả năng trả nợ ngày càng khó” - ĐB Thuyết bày tỏ.
 
ĐB Nguyễn Bá Thuyền bổ sung: “Chính phủ lúc nào cũng nói nợ công đang ở ngưỡng an toàn nhưng phải làm rõ mức bao nhiêu là ngưỡng an toàn, 30%, 40% hay 60% GDP? Phải công khai minh bạch để cử tri và ĐBQH biết”.
 
ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cảnh báo: “Không thể tự cho rằng VN đang ở mức an toàn về tài chính quốc gia trong điều kiện thách thức hiện nay”. Theo ĐB Ánh Tuyết, nợ công đang tăng qua từng năm, lần lượt là 33,8%, 36,2%, 41,9% GDP/năm trong các năm 2007-2009 và dự báo tăng lên 44,6% năm 2010, trong khi mức an toàn nợ công bằng 50% GDP là do ta tự quy định.
 
Giải trình về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định các khoản nợ công như Chính phủ báo cáo là chính xác, được tính theo tỉ giá hiện tại và không bao gồm nợ của doanh nghiệp. “Hiện nay, nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn” – ông Ninh nói.

QH họp 3 kỳ năm 2011

 
Chiều 3 11, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn thay mặt Ủy ban Thường vụ QH đã trình bày dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011.
 
Theo đó, năm 2011 sẽ diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XI, kết thúc nhiệm kỳ QH khóa  XII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2011, bầu ĐBQH khóa  XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Theo ông Trần Đình Đàn, QH dự kiến sẽ họp 3 kỳ căn cứ vào đặc điểm tình hình năm 2011. Tại kỳ họp cuối cùng của QH khóa XII, QH sẽ xem xét báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XII, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ QH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao theo luật định; tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn của ĐBQH (nếu có).
 
Tại kỳ họp thứ nhất của QH khóa XIII, QH xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 8, QH khóa XII đến kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII; bàn công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước. Kỳ họp thứ 2 của QH khóa XIII, QH xem xét các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của ĐB QH; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.
 
Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011 sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp thứ 8 này.

P.Dương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo