Ngày 1-11, Quốc hội (QH) dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2010 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011.
Bên cạnh việc đánh giá cao nỗ lực và cố gắng rất lớn trong điều hành của Chính phủ để nhiều chỉ tiêu KT-XH thực hiện vượt kế hoạch, các đại biểu (ĐB) QH cũng tập trung vào những vấn đề bức xúc như giá cả leo thang, thiếu điện và trách nhiệm trong vụ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN (Vinashin).
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan (Hà Nội): “Những người làm sai cần xin lỗi nhân dân và nên nghĩ đến văn hóa từ chức”.
Ảnh: MẠNH DUY
Nợ của Vinashin: Quá đau xót
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, thốt lên như vậy khi nói: “Vinashin đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ, không dưới 100.000 tỉ đồng. Nếu một tỉnh có thu nhập 1.000 tỉ đồng/năm thì phải làm quần quật mà không được chi, sau một thế kỷ mới trả nổi nợ của Vinashin”.
Tiếp lời ĐB Nguyễn Minh Thuyết, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng tổng số nợ của Vinashin có thể tới 120.000 tỉ đồng, như vậy, bình quân mỗi công dân VN phải gánh nợ cho Vinashin khoảng 1,5 triệu đồng.
“Chính phủ đã đứng ra bảo lãnh cho tập đoàn này được vay hàng tỉ USD trái phiếu quốc tế, tạo điều kiện cho tập đoàn mang tiền Nhà nước đi tung hoành từ Nam ra Bắc” – ông Cuông nói.
Thiếu điện giữa mùa mưa
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) bức xúc: “Năm nay, “cái mới” là cúp điện giữa mùa mưa. Cắt điện triền miên và trên diện rộng gây quá nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống”. Đồng tình, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) nhìn nhận Tập đoàn Điện lực VN (EVN) kêu thiếu vốn, thủy điện thiếu nguồn nước để phát điện, EVN kêu lỗ vốn trong năm hơn 6.000 tỉ đồng, giá mua điện cao hơn giá bán nhưng các nhà sản xuất điện ngoài EVN lại “tố” khó ký hợp đồng bán điện cho EVN, có hợp đồng bán điện rồi thì có được phép lên lưới hay không, hay lại phải “xin – cho”.
Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận trách nhiệm về thực hiện tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010 và có tầm nhìn đến năm 2015 không đúng kế hoạch dẫn đến thiếu điện. |
Tiếp tục mổ xẻ, ĐB Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) nhận xét báo cáo của Chính phủ cho biết năm 2010 có 25 bộ, ngành và 31 địa phương đã tiết kiệm được hơn 2.700 tỉ đồng; 9 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tiết kiệm được 2.350 tỉ đồng, nếu so với món nợ 86.000 tỉ đồng mà ngân sách gánh cho Vinashin thì như muối bỏ biển.
“Số nợ đó, nếu đầu tư cho y tế, sẽ có rất nhiều trẻ em bệnh tim được phẫu thuật, nhiều bệnh nhân ung thư được chữa trị, nhiều bệnh viện được mở rộng hoặc xây dựng, không còn cảnh người bệnh nằm chen chúc như hiện nay” – bà Hằng so sánh.
Kiến nghị lập ủy ban điều tra
Bức xúc trước số nợ quá lớn của Vinashin, ĐB Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ: “Các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước QH. Không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm”.
Ông Thuyết cho rằng vụ án công ty do bà Lã Thị Kim Oanh đứng đầu (liên quan đến Bộ NN- PTNT) đã có một bộ trưởng phải từ chức và 2 thứ trưởng đã ra tòa.
Nay Vinashin là một kiểu “Lã Thị Kim Oanh” nhưng được phóng đại lên khoảng 1.000 lần.
Ông Thuyết kiến nghị: “Ủy ban Thường vụ QH cần tổ chức để QH biểu quyết thành lập ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này. Trên cơ sở đó, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan. Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của ủy ban lâm thời này, tôi đề nghị QH tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra”.
Đồng tình, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) nêu vấn đề: “Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc để Vinashin rơi vào tình trạng như vậy? Trách nhiệm của Thủ tướng, của Chính phủ và các bộ, ngành, cá nhân liên quan như thế nào? Một mình Vinashin không thể làm sai luật được”.
Bà Loan đặt hàng loạt câu hỏi: “Ai đã cho phép Vinashin vay vượt hạn mức quy định của một khách hàng theo quy định của luật là 15% vốn điều lệ của ngân hàng? Ai đã để Vinashin đầu tư tràn lan?...”.
Bà Loan cũng bày tỏ: “QH đã có quyết định đưa Vinashin vào danh sách giám sát từ năm 2009 nhưng Chính phủ đề nghị hoãn lại, để Thanh tra Chính phủ làm việc trước. Tại sao Thanh tra Chính phủ không phát hiện điều gì? Những người làm sai cần phải xin lỗi với nhân dân và nên nghĩ đến văn hóa từ chức để nhân dân còn có lòng tin với lãnh đạo Nhà nước và với Đảng”.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đề xuất QH phải có chuyên đề về vấn đề Vinashin để làm rõ trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành.
Có phần lỗi cơ chế
Giải trình với QH về vấn đề Vinashin, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận: “Khi giám sát Vinashin có phát hiện một số vấn đề nhưng đúng là phát hiện chậm. Đáng tiếc là những việc cố ý làm trái của Vinashin lại không phát hiện được. Đó chính là khuyết điểm của Bộ GTVT”.
Ông Dũng lại phân trần, Bộ GTVT được phân công một số nội dung làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với tập đoàn nhưng có nhiều khó khăn, lúng túng và thực tế rất khó hoàn thành nhiệm vụ.
“Vấn đề nhân sự vị trí chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Vinashin, bộ hoàn toàn không có quyền quyết định” - ông nói.
Là thành viên khác của Chính phủ đăng đàn, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khẳng định: “Chưa thấy có dấu hiệu hoặc có căn cứ để nói Chính phủ bao che cho Vinashin”.
Giải thích vì sao không phát hiện sớm sai phạm nghiêm trọng của Vinashin, ông Trần Văn Truyền cho biết Thanh tra Chính phủ đã 3 lần đề xuất kế hoạch thanh tra toàn diện Vinashin nhưng chưa thực hiện được.
“Đây cũng có một phần do lỗi của cơ chế, có sự “chờ đợi nhau” giữa các cơ quan thanh tra, giám sát, kiểm toán” - ông Truyền nói.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết sau 11 lần thanh tra, giám sát đều có phát hiện những sai phạm của tập đoàn.
“Thủ tướng cũng đã nhiều lần chỉ đạo tập đoàn này chấn chỉnh nhưng đáng tiếc là Vinashin không chấp hành. Cơ chế phúc tra lại chưa có nên không làm được gì hơn”- ông Truyền một lần nữa nhìn nhận về lỗi cơ chế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích cơ sở pháp lý của việc thí điểm và thành lập tập đoàn. Cho rằng thí điểm mô hình 12 tập đoàn kinh tế Nhà nước là chủ trương đúng đắn nhưng bà Nga cũng phân tích những bất cập và lúng túng trong quá trình quản lý.
“Tập đoàn kinh tế Nhà nước không có tư cách pháp nhân nhưng trên thực tế đã trở thành siêu pháp nhân nhưng từ năm 2005 đến nay, Chính phủ chưa kịp thời đề nghị QH sửa luật” - bà nói.
Trong vụ Vinashin, các ĐB cũng thẳng thắn chỉ rõ trách nhiệm “liên đới” của QH vì đã dung dưỡng tình trạng sai phạm quá lâu và không kịp thời “lấp” lỗ hổng pháp lý.
“Việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước liên quan đến hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn của Nhà nước nhưng về mặt pháp lý lại không ràng buộc trách nhiệm của QH với tư cách là thiết chế quyền lực Nhà nước cao nhất để cùng chia sẻ trách nhiệm mà chỉ đặt trách nhiệm quá nặng nề lên vai Chính phủ là chưa thật hợp lý” - bà Lê Thị Nga tỏ quan điểm.
Hôm nay (2-11), QH tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh:
Không có chuyện chi 4.000 – 5.000 tỉ đồng cho đại lễ
Nếu cho rằng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tốn 4.000 – 5.000 tỉ đồng là hoàn toàn không phải. Hỏi chi phí cho lễ kỷ niệm này bao nhiêu, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) sẵn sàng cung cấp. Riêng Bộ VH-TT-DL, từ đầu năm đến giờ mới chi đạt 57,5% số dự toán, với 88 tỉ đồng.
Chi phí cho diễu binh, diễu hành, luyện tập trong khoảng 2 tháng, có đơn vị luyện tập đến 3 tháng, thực chi theo Bộ Tài chính quy định cho luyện tập là 25.000 đồng/người/buổi.
Buổi sơ duyệt là 35.000 đồng/người/buổi và tổng duyệt là 50.000 đồng/người/buổi. Mức chi này không đủ tiền uống nước, tiền ăn. Vì vậy, nhiều trường, đơn vị nghệ thuật phải chi thêm. Nói điều này để thấy không có một việc gì ẩn lấp. Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi cắt được khoảng 10 hoạt động và tiết kiệm hơn 100 tỉ đồng.
P. Dương |
Bình luận (0)