Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã rộng đến 37.487 ha, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam với khoảng 1.500 loài động vật và 2.100 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Lợi dụng địa hình rộng lớn, lâm tặc thường xuyên mò vào VQG này để khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã trái phép.
Hành hung kiểm lâm như cơm bữa
Ở VQG Bạch Mã, lâm tặc lộng hành táo tợn nhất tại các Tiểu khu 412, 413 và 416 thuộc địa bàn huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2015, tại đây đã xảy ra 20 vụ lâm tặc tấn công, đe dọa kiểm lâm để tẩu thoát hoặc cướp lại gỗ. Mới đây nhất là vụ 5 kiểm lâm viên của Trạm Kiểm lâm VQG Bạch Mã đóng ở xã Hương Lộc, huyện Nam Đông bị lâm tặc hành hung dã man sáng 2-3.
Hôm ấy, tổ tuần tra bảo vệ rừng do ông Võ Đại Ca làm tổ trưởng cùng 4 thành viên khi đến Tiểu khu 416 thì phát hiện một nhóm 5 lâm tặc đang cưa hạ cây gõ. Tổ kiểm lâm liền áp sát các đối tượng để quay phim làm bằng chứng, sau đó tiến hành các biện pháp ngăn chặn hành vi phá rừng, bắt một tên cùng với tang vật liên quan.
Bốn đối tượng còn lại đã nhanh chân bỏ trốn. Tuy nhiên, khi tổ kiểm lâm đang xử lý vụ việc thì 4 tên này quay lại. Chúng dùng đá, dao và rựa tấn công lực lượng kiểm lâm nhằm giải cứu đồng bọn.
Trên giường điều trị tại Bệnh viện Trường ĐH Dược Huế, kiểm lâm viên Lê Anh Tuấn, người bị hành hung nặng nhất, nhớ lại: “Chúng rất hung hãn. Tôi bị chúng ném đá trúng vào tay. Sau đó, các đối tượng nhảy tới bóp cổ, đạp tôi xuống đất và đánh gãy chân”.
Khi đến giải cứu cho ông Tuấn, các kiểm lâm viên khác cũng bị nhóm lâm tặc ném đá và đánh đập. Chúng yêu cầu họ phải xóa tất cả hình ảnh vừa ghi mới chịu thả ông Tuấn. “Trước sự hung hãn của nhóm lâm tặc, nhằm bảo đảm an toàn cho ông Tuấn, tôi đành đưa máy để chúng xóa hình ảnh” - ông Ca phân trần.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hương Lộc, nhóm lâm tặc táo tợn này đều là dân địa phương, thường xuyên vào VQG Bạch Mã để chặt phá gỗ. “VQG Bạch Mã có nhiều loại gỗ quý, giá trị kinh tế cao nên lâm tặc tìm mọi cách để vào khai thác. Cổ thụ sau khi bị đốn hạ được chúng xẻ thành từng phách lớn, kết thành bè rồi thả theo dòng suối Ba Ran về hạ lưu. Khi gỗ đến bến tập kết, lâm tặc dùng xe máy chở đi bán cho đầu nậu” - ông Trung cho biết.
Chuyện lực lượng kiểm lâm bị lâm tặc hành hung xảy ra như cơm bữa ở VQG Bạch Mã. Ngày 4-12-2015, tổ kiểm lâm 5 người khi tuần tra ở Tiểu khu 416 thì phát hiện 3 đối tượng chuẩn bị vận chuyển 3 bè gỗ khỏi rừng. Khi kiểm lâm tiến hành bao vây, bất ngờ một nhóm gần 20 tên kéo đến ném đá và dùng gậy gộc uy hiếp. Dù kiểm lâm đã nổ súng cảnh báo song nhóm lâm tặc vẫn táo tợn bao vây họ để 3 tên kia vận chuyển số gỗ đi. Trước đó, rạng sáng 1-12-2015, 15 tên lâm tặc cũng dùng hung khí tấn công 8 kiểm lâm viên ở Tiểu khu 413 để giải cứu đồng bọn cùng tang vật vi phạm.
Không chỉ thường xuyên hành hung lực lượng kiểm lâm để giải cứu đồng bọn và tang vật, lâm tặc còn ngang nhiên đánh dằn mặt lực lượng chức năng. Vào tháng 11-2015, trạm trưởng và trạm phó Trạm Kiểm lâm Hương Lộc đã bị 3 đối tượng “làm gỗ” có máu mặt ở địa phương bỗng nhiên lao vào đánh khiến 1 người phải nhập viện cấp cứu, 1 người bị thương nhẹ.
Trước đó, vào tháng 9-2014, lán trại của tổ bảo vệ rừng VQG Bạch Mã ở Tiểu khu 56 đã bị 4 lâm tặc cầm rựa xông vào tấn công. Chúng khống chế trói 2 kiểm lâm viên, treo lên cây rồi thay nhau đánh đập khiến cả hai bị thương rất nặng. Nhóm lâm tặc này còn dùng dao để rạch mặt 2 kiểm lâm viên.
Còn nhiều bất cập
Theo Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng ngày càng gia tăng. Lâm tặc sẵn sàng chống trả quyết liệt nếu bị kiểm lâm phát hiện, truy đuổi.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc VQG Yók Đôn (tỉnh Đắk Lắk), cũng thừa nhận tình trạng vi phạm lâm luật “đang rất nóng”. Xung quanh VQG Yók Đôn có nhiều băng nhóm tội phạm chuyên đầu tư phương tiện, kinh phí để người dân vào rừng lấy gỗ về bán cho chúng. “Các băng nhóm này thường kích động, xúi giục những người dân thiếu hiểu biết chống đối kiểm lâm. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp lâm tặc tấn công kiểm lâm nhưng không bị xử lý, ảnh hưởng đến tinh thần của anh em” - ông Tùng băn khoăn.
Ngoài ra, theo ông Tùng, trung bình 1 kiểm lâm viên phải quản lý hơn 1.000 ha rừng, trong khi 3 phía của VQG Yók Đôn đều có người dân sinh sống. Mỗi ngày có khoảng 1.000 người ra vào VQG để chăn thả gia súc, làm nương rẫy, thu hái lâm sản phụ... nên rất khó quản lý nếu lâm tặc trà trộn theo.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp khó khăn còn do sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ. Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá tình hình vận chuyển trái phép tại các con đường ngoài địa phận VQG Yók Đôn rất phức tạp, trong khi lực lượng chức năng của địa phương chưa mạnh tay ngăn chặn việc tiêu thụ lâm sản trái phép. Trên Tỉnh lộ 1 cạnh VQG này, nhiều ô tô dùng biển số giả thường xuyên vận chuyển gỗ lậu từ nhiều tháng nay mà vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý.
Trong khi đó, ông Trần Lê Trinh, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (tỉnh Đắk Lắk), cho rằng địa hình tiếp giáp với 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên cũng khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng thêm khó khăn. “Thời gian gần đây, lâm tặc ngoại tỉnh luôn tìm cách xâm nhập khu bảo tồn. Chúng vào khu vực giáp ranh rồi tiến sâu vào vùng lõi khai thác lâm sản khiến chúng tôi hết sức đau đầu” - ông Trinh lo ngại.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-3
Chụp ảnh cũng bị “xử”
Sáng 2-3, tổ công tác 6 người của Hạt Kiểm Lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) dẫn đầu đến bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch để kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng. Phát hiện nhiều nhà dân sử dụng các loại bẫy để săn bắt động vật hoang dã trái phép, một số cán bộ kiểm lâm đã chụp ảnh để có biện pháp tuyên truyền, xử lý.
Ngay sau đó, nhiều đối tượng là dân địa phương đã kéo đến gây gổ và tấn công đoàn công tác. Vụ việc khiến 2 cán bộ kiểm lâm bị thương.
H.Phúc
Bình luận (0)