xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phá nát vườn quốc gia

Cao Nguyên - Hoàng Phúc

Từ Ba Vì (Hà Nội), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đến Yók Đôn, Ea Sô (Đắk Lắk)…, hàng loạt vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên khắp cả nước đang từng ngày bị xâm chiếm đất đai, chặt phá gỗ quý, sát hại thú rừng

Ở Đắk Lắk, Vườn Quốc gia (VQG) Yók Đôn và Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô vốn có rất nhiều loại gỗ, thú quý hiếm nhưng đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng. Tình trạng phá rừng ở đây diễn ra phức tạp trên cả 3 “mặt trận”: chặt hạ gỗ, xâm chiếm đất và săn bắt thú.

Tứ bề thọ “địch”

Theo Ban Quản lý VQG Yók Đôn, tình trạng khai thác gỗ trái phép diễn ra rất phổ biến và được coi là một trong những nguồn thu nhập chính cho rất nhiều hộ dân sống xung quanh rừng. Ước tính, ở các buôn làng giáp ranh VQG này, có tới nửa số hộ dân thường xuyên vào rừng chặt hạ gỗ về bán.

Cả những cây gỗ nhỏ trong Vườn Quốc gia Yók Đôn cũng bị đốn hạ Ảnh: Cao Nguyên
Cả những cây gỗ nhỏ trong Vườn Quốc gia Yók Đôn cũng bị đốn hạ Ảnh: Cao Nguyên

Báo cáo của VQG Yók Đôn cho thấy ít nhất mỗi tháng, khoảng 70 cây gỗ, chủ yếu là các loại quý hiếm, bị đốn hạ. Trong đó, nhiều vụ vi phạm lâm luật được phát hiện với quy mô lớn, có tổ chức nhưng cũng rất nhiều vụ việc chỉ nhỏ lẻ.

“Hiện nay, số lượng gỗ quý loại lớn trong vườn còn không nhiều. Người dân, lâm tặc chuyển sang đốn hạ cả những cây nhỏ, đường kính lõi chỉ khoảng 20-30 cm. Sáng họ vào rừng chặt một khúc gỗ đường kính khoảng 30 cm, dài chừng 1 m gùi về là có mấy trăm ngàn đồng, tính ra hơn rất nhiều lần so với đi làm thuê hoặc làm nương rẫy. Khai thác gỗ hiện được coi là nguồn thu nhập rất cao và duy nhất cho nhiều hộ dân xung quanh VQG. Nhiều người không còn mặn mà với công việc nương rẫy mà chỉ tập trung vào khai thác gỗ để bán” - ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc VQG Yók Đôn, băn khoăn.

Một vấn đề nhức nhối khác ở VQG Yók Đôn là nạn phá rừng để lấy đất canh tác. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên phạm vi VQG này có hơn 400 ha đất đã bị người dân xâm chiếm trái phép để làm ruộng, nương rẫy. Ông Tùng lý giải: “Do nhu cầu đất canh tác ngày một tăng nên xảy ra tình trạng bao chiếm, ken cây để mở rộng diện tích hoặc bán lại”.

Trong khi đó, Khu BTTN Ea Sô rộng hơn 27.000 ha thì khoảng 21.000 ha là diện tích có rừng, nơi nhiều loài động - thực vật quý hiếm như bò tót, bò rừng, hương, căm xe… sinh sống. Tuy nhiên, gần đây, lâm tặc đã băm nát những khu rừng quanh khu BTTN và lấn sâu vào các khu vực phải bảo vệ nghiêm ngặt.

Theo chân lực lượng kiểm lâm đến cánh rừng giáp với khu bảo tồn phía Bắc thuộc địa phận huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai và huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm cây gỗ quý như giáng hương, căm xe, cà chít… bị đốn hạ ngổn ngang. Rất nhiều cây gỗ quý chỉ vừa bị đốn hạ chưa kịp chuyển đi hoặc mới đánh dấu để chờ dịp vào khai thác.

“Công tác bảo vệ những cánh rừng ở nơi đây đang trở nên nóng bỏng và khó khăn hơn bao giờ hết. Với địa hình giáp 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên, thời gian gần đây, tình trạng lâm tặc ngoại tỉnh tìm cách xâm nhập, sử dụng phương tiện vào khu vực giáp ranh rồi tiến sâu vào vùng lõi khai thác lâm sản đang khiến đơn vị hết sức đau đầu” - ông Trần Lê Trinh, Phó Giám đốc Khu BTTN Ea Sô, lo ngại.

Ông Lê Đắc Ý, Giám đốc Khu BTTN Ea Sô, thừa nhận những cánh rừng tiếp giáp với khu bảo tồn ở phía Bắc đã bị lâm tặc tàn phá hết. “Khu bảo tồn đã thành lập tạm thời 2 chốt chặn ở khu vực này để ngăn lâm tặc tiến sâu vào rừng” - ông cho biết.

Thú quý lâm nguy

Theo lãnh đạo Khu BTTN Ea Sô, nếu như phía Bắc và Đông của khu luôn nóng bỏng việc khai thác gỗ trái phép thì phía Tây lại đối mặt tình trạng săn bắt thú rừng.

“Hiện nay, nạn săn bắn động vật trên lâm phần Khu BTTN Ea Sô diễn ra rất phức tạp. Chỉ tính riêng xã Ea Đăh và Ea Púk ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã có hàng trăm thợ săn thú. Gần đây, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã bắt quả tang hàng chục vụ xâm nhập khu bảo tồn để săn bắn động vật hoang dã” - ông Ý cho biết.

Tại VQG Yók Đôn, tình trạng săn bắn, đặt bẫy để bắt các loài thú cũng diễn ra táo tợn, rải đều trên khắp diện tích vườn, dẫn đến mật độ và số lượng các loài động vật hoang dã suy giảm nghiêm trọng. Theo ông Đỗ Quang Tùng, phương thức săn bắt chủ yếu là bằng bẫy và các loại súng tự chế.

Trong khi đó, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) - nơi tập trung rất nhiều thú rừng quý hiếm, gồm 84 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 106 loài trong Sách đỏ thế giới - lâu nay đã trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ săn bắt, buôn bán động vật hoang dã. Năm 2015, Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã phát hiện hơn 3.000 bẫy thú, đẩy đuổi hơn 1.000 người, lập biên bản xử lý trên 200 vụ vi phạm.

Điển hình, vào cuối tháng 9-2015, lực lượng kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng bắt quả tang 2 đối tượng bẫy bắt 9 con cầy vòi (có tên trong Sách đỏ thế giới). Khoảng một tháng sau, kiểm lâm VQG lại tiếp tục phát hiện 3 vụ vi phạm, lập biên bản xử lý 11 đối tượng bẫy bắt, giết mổ động vật hoang dã trái phép, trong đó có cả một số loài linh trưởng quý hiếm.

VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã lập 11 trạm, đội kiểm lâm chốt chặn tại hầu hết các khu vực quan trọng. Tuy vậy, do khu vực quá rộng, địa hình phức tạp, lực lượng mỏng nên nạn săn bắn động vật hoang dã vẫn diễn ra phổ biến.

“Từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch hằng năm, nạn săn bắt động vật hoang dã ở đây lại rộ lên. Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, chúng tôi sẽ mật phục nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng săn bắt thú rừng” - một cán bộ Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng nói.

Kỳ tới: Lâm tặc quậy tưng

Tan hoang rừng Sơn Trà

Thời gian qua, tại Khu BTTN Sơn Trà (TP Đà Nẵng) liên tiếp xảy ra tình trạng phá rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài động - thực vật, nhất là voọc chà vá chân nâu. Mới đây, người dân chặt phá rừng ở tiểu khu 62 và 63 suốt hơn 1 tháng nhưng cơ quan chức năng vẫn không hề hay biết. Mãi đến ngày 24-2, khi có người phát hiện phản ánh, cơ quan chức năng mới kiểm tra thì hơn 8 ha rừng đã bị tàn phá, hàng chục con voọc phải di chuyển sâu vào rừng đặc dụng sinh sống.

Theo thống kê, năm 2015, tại Khu BTTN Sơn Trà, 3 con voọc chà vá chân nâu đã bị bắn chết, gần 2.000 dây bẫy của thợ săn được tháo gỡ. Để bảo vệ hệ phát triển động - thực vật ở Sơn Trà, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng vừa có chủ trương thu hồi việc giao khoán rừng, trồng rừng cho các hộ cá nhân mà TP đã triển khai. H.Dũng

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo