Thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong được xem là lò rượu lớn nhất tỉnh Bắc Ninh. Mỗi ngày, làng này cung cấp cho thị trường hàng ngàn lít rượu với nhiều giá khác nhau. Trước đây, rượu Đại Lâm còn có tên khác là “rượu xăm” do sản phẩm này thường được đựng trong... xăm ô tô!
Giá nào cũng có
Hình ảnh dễ bắt gặp khi đến Đại Lâm là những thùng phuy loại 200 lít và những can rượu loại 20 lít bằng nhựa bày la liệt trên đường làng, trước cửa các hộ sản xuất rượu.
Thấy chúng tôi ngại giá cao khó bán cho đối tượng bình dân, ông T. liền khuyên: “Hay chú lấy loại rẻ, chỉ 7.000 đồng/lít, loại này nhiều quán cũng hay đặt mua”.
Khi được hỏi sao lại rẻ hơn cả giá rượu sắn, ông T. không trả lời và lảng sang chuyện khác. Để quảng bá cho sản phẩm của mình, ông T. bảo rượu của ông bán khắp Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận, thậm chí còn chuyển cho khách ở tận TP HCM. “Riêng huyện Từ Liêm, Hà Nội, mỗi tuần tôi cung cấp cho các quán hơn 1.000 lít rượu” - ông T. nói.
Góp chuyện với chúng tôi còn có cậu ruột của ông T. Khi được hỏi có hay không việc sử dụng cồn công nghiệp để pha chế rượu, cậu ông T. bảo rằng chẳng ai dùng cồn công nghiệp nhưng cồn thực phẩm thì thoải mái.
Lấy cớ đi vệ sinh, chúng tôi xuống khu bếp nhà ông T. Trong bếp, chiếc nồi để nấu rượu vứt chỏng chơ, có lẽ đã nhiều ngày không được dùng đến. Khi quay lại, chúng tôi hỏi: Mỗi ngày, sản xuất hơn 100 lít rượu thì phải nấu hơn một tạ gạo nhưng sao chỉ có một cái nồi bé tẹo và cũng không thấy nấu gì cả? Như câu hỏi trước, ông T. cũng ậm ừ cho qua chuyện.
Ông T. khẳng định không dùng cồn thực phẩm, men Trung Quốc hay hương liệu để sản xuất rượu nhưng khi chúng tôi nói cần mua hương liệu để pha thêm vào rượu, ông T. nhanh nhảu giới thiệu: “Cứ đến số 7… Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội muốn mua hương rượu nào cũng có”.
Chúng tôi xin phép ra về và hứa sẽ gọi lại đặt hàng. Tuy nhiên, chỉ 15 phút sau, khi quay lại, chúng tôi thấy vợ ông T. đang dẫn vòi nước từ bể chứa đến thẳng những thùng phuy nhựa để trước nhà. Sau đó, bà ta đổ nước trong một chiếc xô nhựa vào thùng phuy khuấy khuấy rồi đậy nắp lại và chờ khách đến lấy hàng.
Cách nhà ông T. không xa, một hộ làm rượu khác cũng đang lấy vòi dẫn nước vào những thùng phuy để sẵn trên ô tô. Ngay sau đó, một phụ nữ thản nhiên trèo lên ô tô bỏ thứ gì đó vào phuy nước rồi dùng cây khuấy lên. Cạnh đó, một ông chủ khác cũng hì hục điều chế rượu theo phương pháp tương tự.
Như vậy, chuyện hộ nấu rượu nhưng bếp không đỏ lửa như ông T. không phải là cá biệt.
Không hề được chứng nhận chất lượng
Ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã Tam Đa, cho biết từ năm 1985 đến 2000, tại đây, nhà nào cũng nấu rượu. Lúc đó, sắn chở về đặt kín cả tuyến đê dài hơn 1 km để cung cấp cho 600-700 hộ nấu rượu. Tuy nhiên, do khách đặt hàng giảm, hiện ở đây chỉ còn khoảng 100 hộ nấu rượu.
Khi làm việc với phóng viên, từ người nấu rượu cho đến lãnh đạo địa phương đều khẳng định các hộ sản xuất rượu ở đây không dùng cồn công nghiệp hay men Trung Quốc mà chỉ theo phương thức cổ truyền.
Bình luận (0)