Đến hôm qua, 6-10, dù nước lũ đã rút khỏi các khu nhà ẩm thấp trong làng phong ĐăkKia nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn đầy bộn bề lo toan. Theo già làng A Níu, từ năm 1972 đến nay, làng phong Đăk Kia mới gặp trận lũ dữ dằn đến thế. “Nếu không có tầng hai của trạm xá, dân làng này đã chết hết vì không biết chạy đi đâu, nước lên nhanh quá” - già làng A Níu nhớ lại.
Xơ Y Phương thẫn thờ tiếc nuối bên hai bao gạo ướt
Hoang tàn, nhếch nhác
Đứng trên cầu Đăk Tía trên Tỉnh lộ 671 nhìn xuống, làng phong Đăk Kia trông thật hoang tàn. Ông A Nhíu, trưởng thôn Đăk Kia, rầu rĩ: “Trước đây, trong làng phong đã có một số hộ thiếu ăn rồi, bây giờ thì tất cả đều bị đói”.
Trong làng vẫn còn nhiều hộ dân chưa có điện vì đồng hồ đặt gần mặt đất, nước lũ lên phá hỏng chưa sửa được.
Theo chân trưởng thôn A Nhíu, chúng tôi đến thăm các gia đình trong làng. Khắp nơi bốc lên mùi thối của quần áo, đồ đạc ngâm nước lâu ngày và xác gia súc, gia cầm phân hủy. Tất cả giếng nước trong làng vẫn còn bị ngập nặng, nước đục ngầu không dùng được. Người dân phải dùng nước lấy từ suối Đăk Tía cạnh làng, người nào khá hơn thì dùng nước bình đóng chai.
Trưởng thôn A Nhíu lo lắng: “Ngoài nạn đói, điều chúng tôi lo nhất hiện nay là ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là trong làng đang có gần 100 bệnh nhân phong”.
Bà Y Lưới ngồi thẫn thờ bên hiên nhà, nghẹn ngào: “Nước lên nhanh quá, người dân chỉ kịp chạy lên tầng hai của trạm xá làng phong để thoát thân, con bò, con chó đều bỏ lại. Giờ mất hết rồi...”. Đợt bão lũ vừa qua, gia sản đáng giá nhất của bà Y Lưới - 3 con bò - đã bị nước cuốn trôi.
Ông Kso Choang, người mất cả bầy heo, thổ lộ: “Mình định bán bầy heo đó để mua thêm gạo nhưng lũ đến làm chúng chết hết. Giờ thì cả nhà mình 7 miệng ăn không biết sống thế nào nữa”.
Tại khu B của làng phong, gia đình ông A Klum đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà Y Bơh, 70 tuổi, mẹ ông A Klum, mấy ngày nay cứ ngồi nhìn đồ đạc trong nhà nằm lẫn trong bùn đất như người mất hồn. “Có ít lúa gạo để dành ăn, nước lũ làm ướt hết rồi” - bà than thở.
Sẽ đói lâu dài?
Cuối làng, trong ngôi nhà nhỏ đổ nghiêng một bên do bão lũ, xơ Y Phương, người đã 70 năm nay tận tình chăm sóc cho các bệnh nhân phong, cứ thơ thẩn vào ra. Xơ tiếc nuối: “Gạo, sữa, đường... của bệnh nhân phong ướt sạch, hư hết rồi”. Ngồi giữa hai bao gạo bị ngâm nước, xơ Y Phương khóc: “Bà con thiếu ăn mà gạo thì không dùng được thế này...”.
Mấy ngày nay, xơ Y Phương đã vận động các gia đình khá hơn xin được vài thùng mì ăn liền, cũng chỉ đủ phân phát cho mỗi người trong làng được 2 gói. Xơ bộc bạch: “Tội nghiệp nhất là bệnh nhân phong nặng, chân tay vốn rỉ máu mà ngâm nước lũ đầy bùn đất lâu ngày lại càng lở loét thêm. Mấy ngày nay, tôi lội bùn đi rửa vết thương cho bệnh nhân mà chân cũng đã bị nước ăn rồi”.
Sau bão lũ, đoàn cứu trợ của Ủy ban MTTQ quận 10 - TPHCM đã đến thăm và tặng mỗi hộ dân làng phong 300.000 đồng. Bệnh viện Đa khoa Kon Tum cấp thuốc khử trùng giếng nước; chính quyền và một số đoàn thể địa phương cũng đã cử người đến thăm hỏi và tặng quà cho dân làng... Tuy nhiên, trưởng thôn A Nhíu vẫn lo ngại: “Giá cả tăng vọt như hiện nay thì cuộc sống của người dân sắp tới vẫn còn rất khó khăn, nhất là nạn đói chắc sẽ lâu dài”.
Bình luận (0)