Trong chương trình “Hướng về biển đảo quê hương”, đoàn đại biểu Ủy ban MTTQ TP HCM đã đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Đưa mọi người lên thăm chiến sĩ trạm radar, ông Lê Văn Phương, Tổ trưởng Tổ tự quản đồn Hòn Chuối, cho hay nơi đây đang thay đổi từng ngày, đời sống của ngư dân không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, trẻ em trên đảo không còn mù chữ khi xuất hiện lớp học tình thương do thượng úy Trần Bình Phục, công tác tại đồn Hòn Chuối, phụ trách.
“Vị tiên sư” tận tụy
Đi bộ khoảng 2 km, đến giữa đỉnh núi hoang vắng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nghe tiếng học bài của các em học sinh. Trên bục giảng, thượng úy Phục đang miệt mài giảng dạy các em học sinh lớp 2 học môn tập đọc tiếng Việt. Nhìn những em nhỏ khuôn mặt lem luốc, quần áo cũ sờn chăm chú học bài trong căn phòng không có điện, chúng tôi không nén được xúc động.
Dù thời gian trò chuyện với thượng úy Phục không nhiều nhưng cũng đủ để chúng tôi hiểu về người lính đảo kiên cường, luôn tận tụy với người dân. Sinh ra trên đất mũi Cà Mau giàu truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ, thượng úy Phục đã nung nấu ước mơ lớn lên trở thành người chiến sĩ để cống hiến cho đất nước, phục vụ nhân dân. Ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi anh thi đậu đại học, ra trường được giao nhiệm vụ tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau. Năm 2009, sau khi lập gia đình, anh được điều chuyển ra Hòn Chuối với nhiệm vụ cao cả là cùng các chiến sĩ nơi đây bảo vệ vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.
Bảy năm ở Hòn Chuối, ngoài nhiệm vụ kết nối thông tin liên lạc giữa đồn với Ban Chỉ huy Vùng 5 Hải quân, thượng úy Phục còn có những đóng góp thầm lặng trong việc xóa mù chữ cho hàng chục trẻ em. “Việc làm nhỏ nhoi ấy không thể nào so sánh được với những hy sinh, vất vả của đồng đội đang ngày đêm canh giữ biển đảo của đất nước. Là một người lính, tôi luôn nhận thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước, luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân vô điều kiện. Khi hoàn thành được những nhiệm vụ đó, bản thân người lính mới cảm thấy tự hào và hạnh phúc” - thượng úy Phục bộc bạch.
Với đóng góp thầm lặng của mình, thượng úy Phục được người dân đảo Hòn Chuối rất quý trọng, đặt cho cái tên thân thương và gần gũi là “vị tiên sư”. Trong công việc, anh cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở của đồn Hòn Chuối.
100% trẻ biết đọc, viết
Theo thượng úy Phục, chương trình xóa mù chữ trên Hòn Chuối có từ năm 1995 nhưng sau đó đã ngừng một thời gian dài. Vì thế, rất khó để vận động, thuyết phục người dân cho con em đi học lại.
“Tôi rất trăn trở, suy tư và đau xót khi chứng kiến cảnh trẻ em suốt ngày chỉ biết bám ghe, bám thuyền, không có điều kiện đến trường học chữ. Vì thế, tôi đã đến từng nhà dân để vận động, thuyết phục họ tạo điều kiện cho các em đến học lớp học tình thương” - thượng úy Phục nhớ lại.
Hành trình đến gõ cửa thuyết phục từng nhà dân lúc đầu khá gian nan do một số em tuổi đã lớn, phải bám biển, số khác thì không mặn mà với việc đi học. Không nản chí, thượng úy Phục tận tình giải thích cho người dân hiểu việc học chữ và hoàn thiện nhân cách là rất quan trọng đối với trẻ, nhất là các em có nguyện vọng sau này vào đất liền học tập, công tác. Vài tháng sau, thượng úy Phục vui mừng khôn xiết khi toàn bộ bà con đều đồng ý cho con đến lớp học tình thương học chữ. Đến nay, 100% trẻ em trên Hòn Chuối trong độ tuổi ăn học đều biết đọc, biết viết. Do phương pháp dạy học kiểu lắp ghép còn hạn chế nên sau khi hoàn thành khóa học từ lớp 1 đến lớp 5, chỉ một số em có điều kiện mới vào đất liền theo học tiếp THCS và THPT.
Thượng úy Phục cho biết cũng như bao chiến sĩ khác, lúc đầu mới về nhận nhiệm vụ nơi đảo xa, anh luôn thấy khó khăn vì nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con. Nhưng với trách nhiệm của một người lính, với sự động viên từ gia đình, anh đã vượt qua tất cả. Gia đình như hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác, phục vụ người dân trên đảo.
Hằng ngày, thượng úy Phục lên mạng internet tìm tài liệu kết hợp với sách giáo khoa để tìm ra phương pháp dạy học hiệu quả cho học sinh. Để học sinh theo kịp chương trình học, anh phải thức khuya, dậy sớm soạn giáo án, ngày nghỉ còn tận dụng để dạy một số em lớn tuổi ít có thời gian đến lớp...
Trăn trở với kiểu dạy lắp ghép
Điều khiến thượng úy Trần Bình Phục trăn trở nhất là mô hình dạy học kiểu lắp ghép ra đời trong điều kiện khó khăn, một mình anh phải dạy nhiều lớp nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trong điều kiện thiếu thốn, người lính đảo chỉ biết tìm tòi phương pháp dạy học sao cho truyền đạt ý tưởng để học sinh nắm được kiến thức cơ bản. Những cố gắng của thượng úy Phục đã được đền đáp khi nhiều em có đủ trình độ để vào đất liền học tiếp THCS và THPT.
“Chứng kiến các em tiến bộ trong việc học tập, tôi rất hạnh phúc. Trong tương lai, tôi mong nhiều giáo viên tự nguyện ra đây giảng dạy để giúp các em tiếp cận với giáo trình dạy học phong phú, thiết thực như bao học sinh trên đất liền” - anh bày tỏ.
Kỳ tới: Tình nguyện đến Thổ Chu
Bình luận (0)