Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2014 (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô) đang được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Bộ GTVT kỳ vọng quy định mới sẽ giúp tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ, lập lại trật tự kinh doanh vận tải.
Siết xe dù, bến cóc
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước có trên 7.000 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch với trên 35.000 xe.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng do quy định về điều kiện kinh doanh đối với loại hình này còn đơn giản nên nhiều đơn vị vận tải dễ dàng hợp thức hóa các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải; lợi dụng vận tải hành khách theo hợp đồng để đặt chỗ cho hành khách rồi đón trả khách tại các “bến cóc” ở bệnh viện, trường học, dọc các tuyến quốc lộ, gây ra tình trạng tranh giành khách làm mất trật tự. Theo bà Hiền, việc sửa đổi Nghị định 86 sẽ đưa ra được cách xử lý xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định.
Bộ GTVT cho biết thời gian qua đã xảy ra tình trạng xe vận chuyển hợp đồng cạnh tranh không lành mạnh với các phương tiện hoạt động trên tuyến vận tải hành khách cố định. Tình trạng xe dù, bến cóc do xe vận chuyển hợp đồng gây nên ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM.
Để lập lại trật tự vận tải, dự thảo sửa đổi Nghị định 86 bổ sung những quy định siết chặt loại hình kinh doanh này. Cụ thể, khi thực hiện vận tải hành khách theo hợp đồng, tài xế phải mang theo bản chính hợp đồng vận chuyển (nếu là bản giấy) hoặc truy cập được giao diện thể hiện hợp đồng điện tử trên phần mềm ứng dụng của đơn vị kinh doanh vận tải và danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị vận tải (trừ xe phục vụ đám tang, đám cưới).
Đối với xe được phép chở từ 10 người trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới sở GTVT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải về các thông tin cơ bản của chuyến đi được thể hiện trong hợp đồng vận chuyển, gồm: điểm khởi hành, tuyến đường, điểm kết thúc hành trình và các điểm đón, trả khách trên cả 2 chiều; số lượng khách; thời gian thực hiện hợp đồng (bắt đầu, kết thúc) bằng văn bản, qua thư điện tử (email) hoặc qua phần mềm do bộ trưởng Bộ GTVT quy định.
Riêng các đơn vị kinh doanh vận tải hợp đồng đưa đón học sinh, sinh viên đi học hoặc CB-CNV đi làm theo hành trình cố định, phải thực hiện thông báo một lần trước khi thực hiện hợp đồng hoặc khi có sự thay đổi về tuyến đường, thời gian vận chuyển và các điểm dừng, đỗ của ô tô.
Taxi phải in hóa đơn cho khách
Theo Bộ GTVT, hiện nay, tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, loại hình taxi phát triển nhanh so với nhu cầu của người dân. Cụ thể, Hà Nội đang có 18.629 taxi với 88 doanh nghiệp (DN), HTX hoạt động; TP HCM có 10.850 xe với 23 DN, HTX.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ, thời gian gần đây, nhiều DN kinh doanh vận tải bằng taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp truyền thống (sử dụng bộ đàm). Bên cạnh đó, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều phương thức trợ giúp người dùng đặt (gọi) taxi một cách nhanh chóng và thuận tiện thông qua các thiết bị thông minh (smartphone). Nổi bật là các ứng dụng GrabTaxi, Easy Taxi, Live Taxi, Uber… đã và đang có chiều hướng phát triển mạnh.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của loại hình vận tải này, Bộ GTVT cho rằng cần có quy định quản lý nhằm khuyến khích DN đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới công tác quản lý, điều hành taxi, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của DN.
Trong dự thảo, cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án về niên hạn sử dụng đối với xe kinh doanh taxi. Cụ thể, phương án 1: Giữ nguyên như quy định hiện tại, đó là taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt, không quá 12 năm tại các địa phương khác. Phương án 2: Taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm tính từ ngày sản xuất.
Dự thảo cũng bổ sung quy định DN, HTX kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có trung tâm điều hành, duy trì hoạt động của trung tâm điều hành với tài xế thông qua bộ đàm hoặc phần mềm điều hành. Trường hợp điều hành bằng bộ đàm thì phải đăng ký tần số liên lạc và có thiết bị liên lạc giữa trung tâm với các xe thuộc đơn vị. Nếu điều hành taxi thông qua phần mềm thì phải đăng ký phần mềm với sở GTVT nơi cấp phù hiệu theo quy định.
Dự thảo còn quy định phương tiện này phải có hộp đèn với chữ “TAXI” gắn cố định trên nóc xe. Từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, hộp đèn phải được bật sáng khi trên xe không có khách và tắt khi trên xe có khách. Đặc biệt, taxi phải có thiết bị in hóa đơn hoặc phiếu thu kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe. Tài xế phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tính tiền và trả cho hành khách.
Cấm xe giường nằm 2 tầng chạy đường miền núi
Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 còn bổ sung quy định không được sử dụng xe khách giường nằm 2 tầng để hoạt động vận tải trên các tuyến đường cấp 5 (đường phục vụ giao thông địa phương, đường tỉnh, huyện, xã) và cấp 6 (đường huyện, xã) miền núi.
Ngoài ra, đơn vị kinh doanh vận tải phải sử dụng tài xế có ít nhất 2 năm kinh nghiệm lái xe khách có số người được phép chở trên 30 chỗ để điều khiển xe giường nằm.
Bình luận (0)